Cổ phiếu nhóm nào tiềm năng nhìn từ việc kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ đã tăng gấp 250 lần?
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020), bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu...
Như VnEconomy đưa tin, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Mỹ lần thứ 5 ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực.
KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI VIỆT -MỸ TĂNG 250 LẦN
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020), bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Nhiều năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Thương mại Việt Nam - Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2022.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ trong hai tháng đầu năm, tăng 32,3% trong hai tháng đầu năm. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 2,1 tỷ USD từ Mỹ, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị thương mại của Mỹ - Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 20,4 tỷ USD, đứng thứ hai sau Trung Quốc với tổng 28,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Mỹ nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng dệt may của Việt Nam. Trong tháng 1/2022, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,57 tỷ USD trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 1,85 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác là nhóm đứng thứ hai xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ. Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 3,5 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ với 1,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.
Nhóm thứ ba là Điện thoại các loại và linh kiện, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 01/2021 đạt trị giá 4,5 tỷ USD, xuất khẩu sang Mỹ vẫn đứng đầu với giá trị đạt 1,07 tỷ USD dù giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp theo xuất khẩu nhóm máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 4,1 tỷ USD, trong đó, xuất sang Mỹ nhiều nhất với kim ngạch 975 triệu USD.
Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ nhiều nhất của Việt Nam với tổng giá trị 928 triệu USD, tăng 12,8%. Trong tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam 1,55 tỷ USD.
CỔ PHIẾU NHÓM NÀO TIỀM NĂNG?
Trên thị trường chứng khoán, Dệt may và Gỗ là hai nhóm có số lượng cổ phiếu niêm yết nhiều và thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất.
Với nhóm dệt may, hầu hết các công ty trong ngành dệt may cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 với mức tăng trưởng tổng ước tính của VnDirect 40%. Giá cổ phiếu của các công ty dệt may cũng đều có mức tăng trưởng cao với dao động từ 48-291% trong năm 2021.
Theo Reuters, ngày 23/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu bông nguyên liệu sản xuất tại Tân Cương (Trung Quốc) sau căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ ước tính khoảng 9 tỷ USD sản phẩm bông đã được nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc trong năm 2021. Do đó, kỳ vọng các nhà sản xuất sợi bông lớn như VGT, ADS, PPH sẽ được hưởng lợi từ việc Mỹ từ chối mua các sản phẩm bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải và sợi từ Việt Nam.
Ngành dệt may Việt Nam còn được dự báo sẽ phục hồi theo nhu cầu mua sắm tăng trưởng tại thị trường Mỹ sau khi thị trường này sụt giảm do Covid-19 vào năm 2020-2021. Ngoài ra, các công ty dệt may lớn như M10, STK, TCM đều đã đủ đơn đặt hàng đến Q2/22 và Q3/22. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 4,9% vào năm 2022 và nhu cầu dệt may thế giới trong năm 2022 sẽ quay trở lại mức 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.
VnDirect đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam có thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022 (43 tỷ USD, + 10,2% ). VnDirect lựa chọn STK của Sợi Thế Kỷ và MSH của May Sông Hồng.
Với STK, lợi nhuận của STK dự kiến sẽ tăng 90,4% trong năm 2021 và đạt CAGR 37,0% trong giai đoạn 2021-2023.
Với MSH, MSH đã bán các khoản phải thu từ New York & Company với giá trị thu hồi là 80 tỷ đồng. Hiện tại, MSH có đủ đơn đặt hàng cho đến Tháng 6/2022 do lượng đơn đặt hàng từ các khách hàng Mỹ tăng trở lại. Hơn nữa, kỳ vọng nhà máy SH10 sẽ giúp doanh thu FOB tăng trưởng 15%/20% so với cùng kỳ trong 2022- 2023.
Với nhóm gỗ, SSI Research khuyến nghị mua PTB với giá mục tiêu 1 năm là 118.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2022, SSI dự báo doanh thu PTB đạt 7.464 tỷ đồng (+14,5% YoY) và lợi nhuận trước thuế đạt 769 tỷ đồng (+17% YoY).
Trong đó, doanh thu hoạt động sản xuất gỗ dự kiến đạt 4.380 tỷ đồng (+18% YoY). Thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính với mặt hàng tủ bếp và ghế sofa tăng trưởng 19% YoY do vẫn lợi thế về thuế nhập khẩu so với các mặt hàng cùng loại từ Trung Quốc đang chịu mức thuế 25-28%.
Doanh thu hoạt động sản xuất đá dự kiến đạt 1.587 tỷ đồng (+17% YoY). Trong đó, doanh thu từ đá granite - chiếm 75% doanh thu từ đá, tăng trưởng 15% YoY. Doanh thu của nhà máy đá thạch anh đạt 250 tỷ đồng (+ 20% YoY) - hoạt động 65% công suất, thị trường xuất khẩu là Mỹ. Biên lợi nhuận duy trì ở mức 31% (+1% YoY).
Với Gỗ Đức Thành - GDT, theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, GDT đang đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 tăng mạnh 47,6% lên 500 tỷ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng 48,3% lên 425,0 tỷ (tương đương 18,7 triệu đô), duy trì là nguồn đóng góp chính, chiếm 85% kế hoạch doanh thu thuần năm 2022.
Đến nay, các đơn đặt hàng hiện tại của GDT đã hoàn thành 44,4% mục tiêu xuất khẩu năm 2022. Đơn hàng của GDT tăng được thúc đẩy tuân thủ ESG chặt chẽ, giúp đảm bảo nhiều đơn đặt hàng hơn và có được thêm khách hàng mới, đặc biệt là từ Châu Âu và Mỹ.
Doanh thu nội địa và các mảng khác năm 2022 dự kiến sẽ tăng 43,7% YoY lên 75,0 tỷ, chiếm 15% mục tiêu doanh thu thuần năm 2022.
Sau khi chi phí đầu vào tăng, giá bán hàng xuất khẩu của GDT đã được nâng lên kể từ 4Q21, đồng thời tăng giá bán trong nước từ đầu năm nay. Theo quan điểm của BVSC, điều này cùng với gia tăng năng suất, sẽ củng cố tốt cho biên lợi nhuận của Công ty. Do đó, Bảo Việt khuyến nghị mua GDT với giá mục tiêu 65.000 đồng/cổ phiếu.