Cổ phiếu QNP của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn lên sàn HSX
Ngày 18/1, hơn 40 triệu cổ phiếu QNP của công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn đã lên sàn chứng khoán HSX và thực hiện những phiên giao dịch đầu tiên...
Mã chứng khoán của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là QNP. Giá tham chiếu ngày chào sàn là 19.100 đồng/ cổ phiếu tương đương mức vốn hóa 772 tỷ đồng. Biên độ phiên giao dịch ngày đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu; tổng giá trị chứng khoán niêm yết gần 404,1 tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, nằm trong Vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. Cảng Quy Nhơn có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000DWT và tàu 50.000 DWT được giảm tải. Đây là đơn vị cảng được nhiều chủ hàng, chủ tàu trong nước và quốc tế biết đến với năng suất, chất lượng cao, giải phóng tàu nhanh.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, lũy kế năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu xấp xỉ 938 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp biên đạt mức 23% doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 154% lên 112,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 là gần 134 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2023 thị trường có nhiều biến động, thế nhưng Cảng Quy Nhơn vẫn chủ động triển khai những biện pháp mới và đã có sự hồi phục đáng kể từ mức nền thấp năm 2022 khi cải thiện quy trình khai thác, tiết chế chi phí thuê ngoài. Theo VietNam Report đánh giá, Cảng Quy Nhơn là doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế vùng và cả nước.
Trong định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Quy Nhơn sẽ được thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Cộng hưởng với việc “chào sàn” đầu năm 2024, trong thời gian tới, doanh nghiệp cho biết sẽ chủ động triển khai một chuỗi kế hoạch phát triển, tạo đà bứt tốc để nâng cao chất lượng và quy mô của cảng.
Cụ thể, trong chiến lược đầu tư và phát triển, doanh nghiệp sẽ mở rộng Cảng Quy Nhơn tầm nhìn đến năm 2030 (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư lên đến gần 1.567 tỷ, bao gồm các hạng mục đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện, thiết bị, đầu tư các dự án công nghệ thông tin, đầu tư mới, nâng cấp và sửa chữa hạ tầng, cầu cảng, ICD (chi tiết được công bố trên website của Cảng Quy Nhơn).
Từng bước thực hiện kế hoạch đề ra, Cảng Quy Nhơn dự kiến sẽ có khả năng tiếp nhận hơn 15 triệu tấn hàng thông qua (trong đó hàng container hơn 350.000 TEU) vào năm 2025. Đồng thời, đây dự kiến trở thành một cảng biển tổng hợp quốc tế hiện đại, cung cấp dịch vụ cảng biển và logistics chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế và có thể cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á.
Cảng Quy Nhơn xác định mục tiêu là điểm nối quan trọng cho giao thương biển, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế của các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.
Với phương châm điều hành “Hiệu quả, tận tâm, đổi mới, chia sẻ, trách nhiệm”, doanh nghiệp cho biết sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm mang lại giá trị gia tăng, sự hài lòng cho khách hàng và đối tác thông qua việc cung cấp dịch vụ cảng biển, logistics chuyên nghiệp, hợp lý.
Theo đại diện lãnh đạo công ty, trở thành doanh nghiệp niêm yết không chỉ là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của Cảng Quy Nhơn mà còn là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thừa nhận của công ty trong thị trường. “Hơn nữa, việc niêm yết còn mở ra những cánh cửa mới về cơ hội hợp tác, từng bước góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và khu vực”, vị này cho hay.