Còn hơn 1,4 triệu thuê bao có nguy cơ bị khóa 2 chiều
Trong các ngày từ 1-5/4, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận khoảng 226 nghìn (chiếm 13,5% trong tổng số 1,67 triệu thuê bao đã bị khóa 1 chiều) đến thực hiện chuẩn hóa thông tin để mở lại dịch vụ. Như vậy vẫn còn khoảng 1,4 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin...
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều ngày 6/4, bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ cho hay, đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần chuẩn hóa do có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau đối soát, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo. Đến hết 31/3, còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) không thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều theo quy định.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau khi bị khóa một chiều, các thuê bao vẫn gọi điện được đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp và khi khách hàng trả lời một cuộc gọi đến, tổng đài chăm sóc khách hàng cũng sẽ nhắn một bản tin nhắc người sử dụng đi chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Với mục tiêu tạo điều kiện, bảo vệ quyền lợi người sử dụng, trong các ngày 1, 2, 3, 4 và 5/4, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận khoảng 226 nghìn (chiếm 13,5%) thuê bao đã bị khóa một chiều đến thực hiện chuẩn hóa để mở lại dịch vụ.
Phát hiện 8 vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, giả mạo
Bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ cho biết, trong tháng 3/2023, đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo,.. với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.
Chia sẻ tại họp báo, đại diện nhà mạng Viettel cho biết, đã triển khai nhanh chóng chuẩn hóa tập thuê bao của mình, trong đó tập trung những vào thuê bao chưa trùng khớp với dữ liệu của Bộ Công an. Tuy nhiên, nhà mạng này cũng gặp những khó khăn khi triển khai tập chuẩn hóa thông tin thuê bao với tập khách hàng. Cụ thể, trong tập 400.000 thuê bao bị khóa một chiều thì có khoảng 20% tập khách hàng đang sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng rất khó khăn. Nhà mạng này phấn đấu đến trước ngày 15/4 sẽ tiếp cận đến tập khách hàng này để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Theo quy định, đến ngày 15/4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 2 chiều. Sau ngày 15/5, nếu các thuê bao này vẫn chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi số điện thoại di động.
Trước đó, Vinaphone cho biết, đến ngày 31/3/2023, đã có hơn 500.000 khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo thông báo và hướng dẫn của nhà mạng.
Cục Viễn thông nhận xét, kết quả của đợt chuẩn hóa lần này cho thấy, người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính chủ của mình rất quan trọng vì chiếc điện thoại thông minh ngày nay với vô vàn tính năng quan trọng, hữu ích đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người sử dụng dịch vụ có thể gửi tin nhắn TTTB gửi 1414 hoàn toàn miễn phí để kiểm tra thông tin số điện thoại mình đang sử dụng và chủ động liên hệ với số điện thoại chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để cập nhật nhằm bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình và góp phần hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Liên quan đến vấn đề ngăn chặn vấn nạn SIM rác gây hệ lụy cho xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký văn bản đề nghị thanh tra trên diện rộng việc quản lý thuê bao gửi các tỉnh thành và sở Thông tin và Truyền thông.