Công khai đánh giá của dân về giải quyết thủ tục hành chính
Quá trình thực hiện các thủ tục hành chính người dân vẫn chưa được hướng dẫn thực hiện một cách đầy đủ
Hoàn thiện hệ thống đánh giá đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính có sự tham gia của người dân là một trong những khuyến nghị của Oxfam đối với dự thảo nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Chính phủ.
Như VnEconomy đã thông tin, ngày 29/8 Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định này.
Một trong những nội dung mới tại dự thảo so với quy định hiện hành là quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện việc đánh giá cũng như các tiêu chí để thực hiện việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.
Đây cũng là vấn đề được Oxfam - tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam - đặc biệt quan tâm, khuyến nghị trong nhiều hội thảo để hoàn thiện dự thảo nghị định nói trên.
Theo tổ chức này thì từ những năm 1990 Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả thực hiện tại các cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại khá nhiều bất cập trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính như người dân vẫn chưa được hướng dẫn thực hiện một cách đầy đủ, kéo dài việc thực hiện, phải gặp cơ quan có thẩm quyền nhiều lần và phải chi cho các khoản chi phí ngoài quy định của pháp luật...
Thông tin từ Oxfam cho biết, qua sáng kiến dân chấm điểm được tổ chức này phối hợp với hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình thực hiện từ 2015 cho thấy các kênh giúp người dân phản hồi về chất lượng dịch vụ đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp thay đổi thái độ và hành vi của cán bộ hành chính theo hướng là đơn vị cung cấp dịch vụ và phải làm hài lòng người dân thay vì là đơn vị áp đặt quyền lực như trước đây.
Những thay đổi tích cực này được phản ánh cụ thể qua việc người dân cho điểm ngày càng cao về mức độ hài lòng, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hẹn tăng, giảm số ngày hoàn thành thủ tục, và giảm các trường hợp người dân phải trả các chi phí ngoài quy định của pháp luật.
Như trên đã nói, một trong các khuyến nghị của Oxfam với dự thảo nghị định là hoàn thiện hệ thống đánh giá đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính có sự tham gia của người dân.
Tổ chức này đề xuất 6 cách thức thu nhận thông tin phục vụ đánh giá, trong đó có thu nhận qua ý kiến của cá nhân, tổ chức gửi đến hộp thư góp ý, phản ánh dưới dạng trên giấy hoặc điện tử. Cách thức khác là qua điều tra xã hội học độc lập thường xuyên hay định kỳ.
Theo Oxfam, nghị định cần quy định rõ các thông tin phục vụ đánh giá phải được kết nối với hệ thống một cửa điện tử, được công khai trên trang thông tin điện tử độc lập về giám sát thực hiện các thủ tục hành chính. Văn phòng của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh (đơn vị đầu mối thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính) thực hiện tổng hợp, đánh giá theo các tiêu chí quy định tại nghị định này và công khai trên trang thông tin điện tử của mình.
Thông tin phục vụ đánh giá từ điều tra xã hội học độc lập, theo Oxfam cần được thực hiện thường xuyên bằng khảo sát trực tuyến điện tử hoặc thông qua các giải pháp công nghệ thông tin như điện thoại, phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động, máy tỉnh bảng.... hoặc phối hợp với các cuộc điều tra xã hội học độc lập khác có một số nội dung tương tự. Văn phòng của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện tổng hợp, đánh giá kết quả điều tra xã hội học và công khai trên trang thông tin điện tử của mình. Kết quả điều tra xã hội học được công khai trên trang thông tin điện tử độc lập về giám sát thực hiện các thủ tục hành chính.
Cụ thể hơn, Oxfam đề xuất 7 tiêu chí để tổ chức, công dân đánh giá về giải quyết các thủ tục hành chính. Gồm: thời gian trả kết quả giải quyết, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính so với quy định hoặc yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì; số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải liên hệ để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính; số lần phải liên hệ với cơ quan tiếp nhận để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.
Các tiêu chí tiếp theo là tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin thủ tục hành chính được công khai so với quy định; thái độ phục vụ của người tiếp nhận hồ sơ và mức độ dễ hiểu khi nghe hướng dẫn việc lập hồ sơ thủ tục hành chính; các chi phí phát sinh ngoài quy định của pháp luật khi thực hiện các thủ tục hành chính; thời gian và chất lượng ý kiến giải trình của cơ quan, cán bộ nhà nước đối với các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh: cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong cải cách hành chính công là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của một “chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động”, chuyển từ nền hành chính mang nặng tư duy quản lý kiểu cũ sang tư duy phục vụ.
Do vậy việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công minh bạch, thân thiện với người dân, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giao dịch, loại bỏ mọi chi phí không chính thức là hết sức cần thiết. Gắn liền với hệ thống dịch vụ hành chính công là các cơ chế độc lập để người dân giám sát và phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ là động lực mạnh mẽ giúp cải cách và hoàn thiện hệ thống dich vụ hành chính công - bà Hương góp ý.