Công nghệ thần kinh là mục tiêu AI tiếp theo của Big Tech
Công nghệ thần kinh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những khả năng mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà trước đây chưa từng tồn tại…
Trong nhiều thập kỷ, các công ty và nhà nghiên cứu đã cho ra đời một số thiết bị cấy ghép phân tích tín hiệu trong não và diễn giải thành từ ngữ hoặc mệnh lệnh vật lý. Công nghệ không phải là mới, nhưng trí tuệ giúp đẩy nhanh quá trình tiến bộ, cho phép người bệnh thực hiện một số tác vụ mà trước đây hoàn toàn không thể.
Thiết bị này đã thay đổi cuộc sống của những người như anh Rodney, bệnh nhân sống chung với ALS (thoái hóa thần kinh) đã cấy thiết bị Stentrode vào não. Thiết bị được phát triển bởi Synchron, công ty công nghệ thần kinh được hỗ trợ bởi CEO Amazon Jeff Bezos và tỷ phú Bill Gates. Theo đó, thiết bị chứa điện cực nhỏ chuyển đổi tín hiệu não thành hành động vật lý, cho phép Rodney gõ bàn phím chỉ bằng suy nghĩ.
Trong khi công nghệ thần kinh có thể trao quyền cho nhiều bệnh nhân như anh Rodney, thì AI có thể giúp công nghệ thần kinh ít xâm lấn hơn tiếp cận nhu cầu sử dụng hàng ngày, thúc đẩy thế hệ sản phẩm tiếp theo hướng tới người tiêu dùng.
Theo Precedence Research, thị trường thiết bị công nghệ thần kinh được định giá khoảng 15 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt hơn 55 tỷ USD vào năm 2032. Đó là lý do tại sao đa số Big Tech như Meta hay Apple ủng hộ nghiên cứu thiết bị có thể giải mã suy nghĩ, nhận thức mà không cần phẫu thuật xâm lấn.
Tuy nhiên, khi những gã khổng lồ công nghệ bắt đầu cuộc đua xây dựng tiến bộ công nghệ thần kinh trong thế giới y tế, một số chuyên gia lo ngại công nghệ có thể khiến dữ liệu quan trọng nhất của mỗi người - quyền riêng tư trong suy nghĩ gặp rủi ro.
"Đây là ‘pháo đài bảo mật' cuối cùng của mỗi con người và chúng tôi phải từ bỏ mọi khía cạnh của quyền riêng tư", bà Nita Farahany, nhà đạo đức công nghệ và tác giả của cuốn "The Battle for Your Brain" cho biết.
BIG TECH MUỐN ĐỌC SUY NGHĨ CỦA BẠN?
Đầu năm nay, Neuralink của Elon Musk đã gây chú ý khi thành công cấy ghép giao diện não-máy tính (BCI) cho bệnh nhân đầu tiên. Mặc dù mới đây, công ty cho biết đang gặp phải một số vấn đề phát sinh.
Bộ cấy Neuralink gặp vấn đề cơ học khi một số sợi gắn điện cực nằm trong mô não bắt đầu tự tách khỏi mô, khiến thiết bị “hoạt động không bình thường”. Trong bài đăng trên blog, công ty khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến cách thức hoạt động của bộ cấy ghép.
Elon Musk không phải là CEO duy nhất nỗ lực biến công nghệ thần kinh thành hiện thực. Hiện nay, có ít nhất 30 công ty đang bán hoặc phát triển công nghệ này.
Chẳng hạn như Apple sở hữu bằng sáng chế AirPods với công nghệ EEG được nhúng để đo hoạt động não. Trước lo ngại về doanh số iPhone trì trệ, một số nhà đầu tư hy vọng công ty sẽ tạo ra các sản phẩm mới thú vị giúp tăng doanh thu.
Chăm sóc sức khỏe từ lâu đã là mục tiêu của Apple. Giám đốc Điều hành Tim Cook đưa ra chiến lược này vào năm 2019 và nhận định "Nếu bạn nhìn xa hơn đến tương lai và đặt câu hỏi: Đóng góp lớn nhất của Apple cho nhân loại là gì? Đó sẽ là về sức khỏe".
Meta, công ty công nghệ Hoa Kỳ cũng đang tài trợ cho nhóm nhà thần kinh học, nghiên cứu cách con người xử lý ngôn ngữ.
CÔNG NGHỆ GIẢI MÃ NHẬN THỨC
Trong báo cáo của nhóm Nghiên cứu AI cơ bản (FAIR) của Meta, các nhà nghiên cứu đã chiếu một hình ảnh trước mặt những người tham gia trong 1,5 giây. Sau đó, người xem ngồi trong cỗ máy hình ảnh thần kinh, nghĩ về hình ảnh họ thấy và AI có thể sử dụng dữ liệu hoạt động não để tái tạo hình ảnh.
"Hiện tại, đây không phải là công nghệ đọc suy nghĩ", Trưởng nhóm Công nghệ não & AI Meta Jean-Rémi King nói với Yahoo Finance. "Những gì chúng tôi cố gắng làm là tái tạo hình ảnh mà họ nhìn thấy tại thời điểm nhất định để thực sự giải mã nhận thức".
Kết quả cho ra không đúng hoàn toàn, nhưng đủ gần để nhóm nghiên cứu tiếp tục cải thiện.
Ông King nhấn mạnh, sản phẩm hướng tới người tiêu dùng không phải là mục tiêu cuối cùng trong nghiên cứu, mà hãng mong muốn "giúp bệnh nhân chấn thương sọ não có thể giao tiếp".
Đồng thời, Giám đốc Điều hành Meta Mark Zuckerberg thể hiện rõ tham vọng công nghệ thần kinh kể từ năm 2021, khi ông cho ra mắt chiếc băng tay sử dụng điện cơ đồ để phát hiện tín hiệu thần kinh, cho phép người dùng gõ và nhấp vào màn hình chỉ với những chuyển động tay nhỏ nhất.
VẤN ĐỀ QUYỀN RIÊNG TƯ
Có một câu hỏi lớn đằng sau tất cả các nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ thần kinh là: Thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu các Big Tech có thể đọc suy nghĩ của bạn theo đúng nghĩa đen?
Một số thiết bị theo dõi não không xâm lấn được coi là cuộc cách mạng trong y học, thế nhưng không phải ai cũng đồng tình trước viễn cảnh công ty công nghệ có quyền truy cập vào suy nghĩ cá nhân.
Những người ủng hộ quyền thần kinh (quyền liên quan đến suy nghĩ và tinh thần) tin rằng suy nghĩ là phần dữ liệu cuối cùng mà chúng ta để lại cho chính mình. Đó là lý do tại sao họ đang đấu tranh cho luật bảo vệ quyền riêng tư tinh thần.
"Hiện không có quy định nào", Tiến sĩ Rafael Yuste, Giáo sư Khoa học Sinh học và Khoa học Thần kinh tại Đại học Columbia cho biết.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Yuste phát hiện ra cách kiểm soát suy nghĩ của chuột thông qua laser. Thí nghiệm sợ hãi đến mức khiến ông đồng sáng lập Tổ chức Neurorights, nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư của suy nghĩ.
Hiện tại, lo ngại về tác động quyền riêng tư đối với công nghệ thần kinh đang thúc đẩy loạt chính sách thay đổi. Tháng trước, Colorado chính thức thông qua dự luật mở rộng đạo luật bảo mật của tiểu bang bao gồm các quyền thần kinh - lần đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ. Sau đó, dự luật tương tự cũng được trình lên một số bang như California và Minnesota.
Bà Nita Farahany đã đề xuất khuôn khổ cho luật về quyền thần kinh nhằm bảo vệ quyền riêng tư nói chung, với "quyền tự quyết đối với bộ não và trải nghiệm tinh thần của mỗi người".
Theo đó, đề xuất vẫn cho phép những bệnh nhân muốn, thậm chí là cần công nghệ thần kinh có quyền truy cập vào não.
Về phía bệnh nhân Rodney, anh ấy hy vọng công nghệ "sẽ đến được với nhiều người hơn".