Công ty tài chính Điện lực kiện đòi OGC 115 tỷ đồng
Những vụ kiện tụng liên quan đến các đối tác vẫn tiếp tục đeo đuổi Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (mã chứng khoán: OGC-HOSE)...
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã giải quyết vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa Công ty tài chính cổ phần Điện lực và Công ty cổ phần Tập đoàn Đại dương (mã OGC) ở cấp phúc thẩm.
CỔ PHIẾU MẤT GIÁ, TÀI CHÍNH ĐIỆN LỰC ĐÒI BÙ TIỀN
Tranh chấp giữa hai bên phát sinh từ hợp đồng đặt cọc mua cổ phiếu ký vào ngày 12/6/2014. Theo đó, hai bên thỏa thuận, Tài chính Điện lực sẽ đặt cọc số tiền 240 tỷ đồng để đảm bảo OGC sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại dương (mã chứng khoán : OCH-HNX) trong thời hạn 6 tháng, chậm nhất là ngày 15/12/2014.
Trường hợp OGC không ký kết hợp đồng và thực hiện việc chuyển nhượng thì phải hoàn trả số tiền 240 tỷ đồng và một khoản tiền cố định là 9,8 tỷ đồng. Nếu không hoàn trả đúng hạn sẽ phải chịu lãi chậm thanh toán.
Sau đó 2 bên đã ký hợp đồng cầm cố cổ phiếu, giao nhận số tiền 240 tỷ đồng.
Được biết, giá cổ phiếu OCH trong giai đoạn hợp đồng đặt cọc (từ ngày 12/6/2014 đến ngày 15/12/2014) trên sàn chứng khoán là khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu nhưng thanh khoản không lớn. Tháng 10/2014, Chủ tịch HĐQT OGC khi đó là ông Hà Văn Thắm bị bắt trong vụ án chi tiền lãi ngoài xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại dương Oceanbank
Đến ngày 15/12/2014, OGC không ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu như đã thỏa thuận. Việc giải quyết số tiền 240 tỷ đồng và 20 triệu cổ phiếu OCH không đạt được thỏa thuận và dẫn đến tranh chấp phải ra tòa.
Trước khi khởi kiện, ngày 1/6/2015, Tài chính Điện lực có công văn số 398 gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đề xuất nhận chuyển nhượng cổ phiếu theo phương thức không thông qua hệ thống giao dịch để bù trừ khoản tiền đã đặt mua cổ phiếu và các chi phí phát sinh liên quan với giá nhận chuyển nhượng là 12.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu OCH trên sàn chứng khoán vào ngày 1/6/2015 là 16.000 đồng/cổ phiếu
Ngày 4/6/2015, Tài chính Điện lực có công văn gửi OGC về việc cổ phiếu không có tính thanh khoản, giá trị không đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu OGC thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền cọc trước ngày 15/6/2015 hoặc bổ sung tài sản bảo đảm.
Hai bên có nhiều công văn qua lại. Đến ngày 24/6/2015,Uỷ ban chứng khoán Nhà nước có công văn số 3705 đồng ý về nguyên tắc sử dụng phương thức chuyển quyền sở hữu tại VSD để xử lý tài sản cầm cố. Yêu cầu các bên phải tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán, về hợp đồng, về tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan.
Tiếp đó là quá trình đề nghị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) xử lý, chờ VSD có công văn trình Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, chờ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận...
Đến ngày 17/7/2015, Tài chính Điện lực thực hiện việc chuyển nhượng 19,95 triệu cổ phiếu OCH. Phiên giao dịch ngày 17/7/2015, giá cổ phiếu OCH là 9.000 đồng/cổ phiếu nhưng không có thanh khoản. 50.000 cổ phiếu còn lại được xử lý vào tháng 11 và 12/2017. Giai đoạn tháng 11, 12/2017, giá cổ phiếu OCH ở vào khoảng 5.000 – 8.000 đồng.
Cho rằng mức giá cổ phiếu trên sàn giao dịch tại các thời điểm chuyển nhượng giảm mạnh dẫn đến không thu hồi đủ số tiền 240 tỷ đồng, Tài chính Điện lực đã đệ đơn khởi kiện yêu cầu OGC phải trả số tiền 115,5 tỷ đồng bao gồm (1) Khoản tiền còn thiếu sau khi xử lý tài sản cầm cố là 60 tỷ đồng; (2) khoản tiền cố định 9,8 tỷ đồng theo hợp đồng; (3) lãi chậm thanh toán.
Phía OGC đề nghị Tòa án bác toàn bộ đơn khởi kiện của Tài chính Điện lực vì cho rằng không có chuyện vi phạm hợp đồng đặt cọc, thực tế 20 triệu cổ phiếu OCH đã được chuyển nhượng cho Tài chính Điện lực. Hai bên không có thỏa thuận về việc phải trả tiền chênh lệch sau khi xử lý tài sản cầm cố, cũng không có quy định pháp luật về vấn đề này.
OGC còn có đơn phản tố đề nghị Tòa án buộc Tài chính Điện lực thanh toán cho OGC số tiền 90,5 tỷ đồng bao gồm số tiền còn thiếu khi nhận chuyển nhượng cổ phiếu OCH theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc (khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu) và phạt chậm thanh toán.
CÓ VI PHẠM NÊN PHẢI BỒI THƯỜNG
Tòa án phúc thẩm cho rằng theo hợp đồng đặt cọc, ngày 15/12/2015 là ngày cuối cùng hai bên phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng OGC không ký hợp đồng chuyển nhượng là vi phạm hợp đồng.
Tòa án xác định phía OGC có lỗi, gây thiệt hại cho phía Tài chính Điện lực và phải bồi thường theo thỏa thuận theo hợp đồng. Về giá cổ phiếu, Tòa án cho rằng Tài chính Điện lực có văn bản gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đề xuất nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần OCH với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để thực hiện bù trừ. Tòa án cho rằng với mức giá này, 20 triệu cổ phiếu OCH vừa bằng 240 tỷ đồng đặt cọc nên không có căn cứ buộc OGC phải thanh toán thêm số tiền hơn 59 tỷ đồng.
Do không ký hợp đồng chuyển nhượng đúng thời hạn, OGC phải trả 9,8 tỷ đồng như đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc.
Về tiền lãi, Tòa án chỉ chấp nhận tính lãi từ ngày vi phạm (15/12/2014) đến ngày chuyển nhượng cổ phiếu (17/7/2015) là 12,6 tỷ đồng. Tòa án cũng buộc OGC phải trả các chi phí phát sinh khi xử lý tài sản cầm cố.
Như vậy, tổng cộng OGC phải thanh toán cho Tài chính Điện lực số tiền 22,5 tỷ đồng.
OCH là công ty con OGC và quản lý nhiều bất động sản như Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ Hà Hội, đồng thời là chủ của hai thương hiệu bánh Girval và Kem Tràng Tiền.