CPI Mỹ nóng hơn dự báo, Fed khó giảm lãi suất sớm và nhanh
Lạm phát của Mỹ tăng trở lại trong tháng 2 và nóng hơn dự báo, đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải chờ ít nhất tới mùa hè năm nay mới có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Chưa kể, ngay cả khi đã bước vào chu kỳ nới lỏng, Fed cũng sẽ khó hạ lãi suất với tốc độ nhanh...
Bản báo cáo được chờ đợi do Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/3 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,4% trong tháng 2 so với tháng 1 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng tháng phù hợp với dự báo, nhưng mức tăng cả năm cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 3,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
CPI lõi, thước đo không bao gồm hai nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn và thường xuyên về giá cả là năng lượng và thực phẩm, tăng 0,4% theo cơ sở tháng và 3,8% theo cơ sở năm. Hai mức tăng này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
Nếu so với mức tăng thực tế của tháng 1, mức tăng CPI toàn phần cả năm đã tăng 0,1 điểm phần trăm từ mức 3,1%. CPI lõi cả năm giảm 0,1 điểm phần trăm từ mức 3,9%.
Dù đã giảm khoảng 2/3 so với mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ trên 9% thiết lập vào giữa năm 2022, lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao gần gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Những con số cho thấy lạm phát có chiều hướng giảm chậm lại và trở nên dai dẳng hơn này được công bố vào lúc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới chuẩn bị cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ sau 1 tuần nữa.
Trong số các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong rổ tính CPI của Mỹ, nhóm năng lượng tăng 2,3% trong tháng 2 là nhân tố đóng góp nhiều nhất vào sự tăng tốc của chỉ số toàn phần. Nhóm thực phẩm đi ngang trong tháng, trong khi nhóm nhà ở tăng 0,4%.
Báo cáo cho biết tăng giá ở các nhóm năng lượng và nhà ở chiếm hơn 60% tổng mức tăng của CPI toàn phần. Giá xăng bán lẻ ở Mỹ tăng 3,8% trong tháng 2, trong khi giá nhà cho thuê tăng 0,4%.
“Lạm phát vẫn đang cao hơn 3%, và một lần nữa nhóm nhà ở là một thủ phạm chính của lạm phát. Với giá nhà được dự báo tăng trong năm nay và giá nhà cho thuê chỉ giảm nhẹ, sẽ không có chuyện nhóm nhà ở sẽ sớm giảm như hỳ vọng để kéo lạm phát xuống. Các báo cáo lạm phát như của tháng 1 và tháng 2 sẽ khiến Fed khó mà giảm lãi suất nhanh được”, nhà kinh tế Robert Frick của tổ chức Navy Federal Credit Union nhận định với hãng tin CNBC.
Mấy tuần gần đây, giới chức Fed phát tín hiệu có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay, nhưng đồng thời cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về việc từ bỏ quá sớm cuộc chiến chống lạm phát trong lúc tốc độ tăng giá cả vẫn còn cao. Tuyên bố của Fed sau cuộc họp tháng 1 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần có được “niềm tin lớn hơn” rằng lạm phát đang giảm về mục tiêu.
Trong cuộc điều trần định kỳ trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục bày tỏ quan điểm thận trọng. Dù nói rằng Fed có lẽ “không còn xa” tới chỗ có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Powell nói Fed cần phải đợi cho tới khi có đủ sự tin tưởng để hành động.
Theo nhà kinh tế trưởng Paul Ashworth của công ty nghiên cứu Capital Economics, báo cáo CPI “khiến giới chức Fed phải đợi thêm cho tới khi có được ‘sự tin tưởng lớn hơn’ cần thiết để bắt đầu giảm lãi suất”.
Đối với thị trường tài chính, việc Fed trở nên thận trọng hơn từ chỗ gần như chắc chắn sắp xoay trục chính sách tiền tệ hồi cuối năm 2023 đồng nghĩa với một cuộc định giá lại các tài sản. Việc định giá lại này dựa trên kỳ vọng mới về thời điểm Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất và tốc độ hạ lãi suất.
Đầu năm nay, thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3 và sẽ có 6-7 đợt giảm lãi suất trong cả năm. Hiện tại, thị trường cho rằng sớm nhất cũng phải tới tháng 6 Fed mới bắt đầu nới lỏng, và sẽ chỉ có 3 đợt giảm trong cả năm, mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất quỹ liên bang.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vững là lý do khiến Fed phải dựa vào các số liệu kinh tế tiếp theo để đánh giá triển vọng lạm phát, đồng thời khiến Fed không thể vội vã trong việc hạ lãi suất. Năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 2,5%. Quý 1/2024, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo duy trì mức 2,5% - theo dữ liệu từ công cụ theo dõi GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta.
Một động lực quan trọng phía sau tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế Mỹ là tiêu dùng mạnh, trong khi sức tiêu dùng này có được từ thị trường việc làm tiếp tục nóng. Trong tháng 2, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 275.000 công việc mới, một con số cao hơn dự báo. Tỷ thất nghiệp dù tăng nhẹ lên 3,9% vẫn là mức thất nghiệp thuộc hàng thấp trong lịch sử.
Sức mạnh này của nền kinh tế Mỹ bị giới chuyên gia xem là một “con dao hai lưỡi”. Tăng trưởng duy trì vững ngay cả trong môi trường lãi suất cao giúp Fed thoải mái hơn trong việc chống lạm phát mà không lo kinh tế suy thoái. Nhưng mặt khác, tăng trưởng kinh tế vững cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng lạm phát có thể dai dẳng hơn kỳ vọng.