Cú lội ngược dòng ngoạn mục của doanh nghiệp ngành phân bón
Mặc dù tình hình kinh tế chung còn ảm đạm, song hoạt động kinh doanh doanh nghiệp ngành phân bón ghi nhận cú tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu cả năm đề ra.
Đặt kịch bản kinh doanh, lợi nhuận thận trọng nhất có thể xảy ra năm 2020 khi Covid -19 tác động xấu nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp phân bón bất ngờ thể hiện sức mạnh đột biến.
MỤC TIÊU DÈ DẶT - KINH DOANH BỨT PHÁ
Do áp lực bên ngoài như giá khí cao, hạn hán, ngập mặn kỷ lục tại Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh Covid-19 dẫn đến mọi hoạt động đều bị đình trệ, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động khiến các công ty phân bón trên thị trường chứng khoán dè dặt đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2020.
Tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán DCM - HSX), năm 2020, Đạm Cà Mau kế hoạch doanh thu hợp nhất 7.956,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 52 tỷ đồng, kế hoạch doanh thu đi ngang nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh so với con số lợi nhuận năm 2019 là 425,8 tỷ đồng.
Tương tự, tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán DPM - HSX), năm 2020, ban lãnh đạo công ty xác định sẽ có nhiều khó khăn thách thức với thị trường phân bón. Đặc biệt, nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt sản lượng. Do đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 9.237 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, tăng nhẹ 11% so với mức thực hiện năm 2019 và kế hoạch đặt ra năm 2019.
Mặc dù tình hình kinh tế chung còn ảm đạm, song hoạt động kinh doanh của cả bộ đôi DCM - DPM ghi nhận cú tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu cả năm đề ra.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, do có đột biến về nhu cầu và giá ure thế giới nên Đạm Cà Mau đã tận dụng cơ hội, tìm kiếm các thị trường tiềm năng để xuất khẩu nên lượng tiêu thụ tháng 8 vượt 21% so với kế hoạch.
Cùng với đó, do hưởng lợi từ giá dầu giảm kéo theo giá khí đầu vào thấp hơn giá kế hoạch, lợi nhuận 8 tháng ước đạt hơn 424 tỷ, vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm đặt ra vỏn vẹn 52 tỷ đồng.
Tại Đạm Phú Mỹ, hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón trong quý 3/2020 và 9 tháng đầu năm diễn biến khả quan, các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất được vận hành hiệu quả, đạt công suất tối ưu trong bối cảnh công ty tăng cường kiểm soát chi phí, tiết kiệm định mức năng lượng so với kế hoạch.
Mặc dù thị trường trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài và thời tiết diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, Công ty đã sớm chủ động xây dựng và triển khai gói giải pháp ứng phó với khủng hoảng, cho nên sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón và hóa chất tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
DPM ước tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 ở mức 5,978 tỷ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt khoảng 664 tỷ đồng, hoàn thành 129% kế hoạch năm và tăng 275% (gần gấp 4 lần) so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCM đang được nhà đầu tư mua bán ở vùng giá cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Hiện DCM đang giao dịch quanh mức 12.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm. Còn DPM được giao dịch ở mức giá 17.150 đồng/cổ phiếu, tăng 60% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này cũng gia tăng so với những tháng trước đó.
GIỚI ĐẦU TƯ KỲ VỌNG GÌ?
Bên cạnh kết quả kinh doanh bứt phá, điều mà giới đầu tư quan tâm gần đây là kỳ vọng sản phẩm phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng như trước thời điểm Luật số 71 bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ 1/1/2015. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành được chiết khấu trừ thuế đầu ra và giảm chi phí.
Khi áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, với chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn (50-70% giá thành sản xuất), chỉ riêng việc khấu trừ thuế đầu vào cũng giúp doanh nghiệp cải thiện được biên lợi nhuận gộp 2-4%, cho dù giá bán không đổi, tương ứng lợi nhuận có thể tăng từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Ngoài ra, việc tiết kiệm chi phí còn giúp doanh nghiệp có thể hạ giá bán, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 30/9 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng, chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%.
Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1/1/2021.
Một thông tin nữa tác động đến triển vọng của ngành phân bón là Hiệp định thương mại dự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Khi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, thuế xuất, nhập khẩu phân bón được miễn giảm, giúp Việt Nam đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Nhờ các lợi ích từ FTAs, Việt Nam kì vọng sẽ đón thêm các nguồn đầu tư và các doanh nghiệp nội địa sẽ có têm cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ từ các nước phát triển…
Mặc dù vậy, cũng cần phải lưu ý chính sách về thuế hiện tại vẫn chưa mở cửa cho ngành phân bón, thêm vào đó, giá dầu thế giới bắt đầu hồi phục.