Cùng kinh doanh vàng, vì sao SJC lãi chưa bằng một phần của PNJ?
Đều là những công ty kinh doanh vàng có tiếng tại Việt Nam nhưng SJC và PNJ lại có kết quả kinh doanh khác xa nhau
Lợi nhuận sau thuế chênh lệch hơn chục lần, SJC và PNJ đang có những chiến lược khác nhau mặc dù cùng kinh doanh vàng.
Tại Việt Nam, những năm trước đây nhu dầu sử dụng vàng chủ yếu là do mục đích lưu trữ và đầu tư, còn vàng để làm trang sức chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhu cầu.
Tuy nhiên, để ổn định giá trị đồng nội tệ, Chính phủ đã có nhiều nỗ lức chống lại tình trạng "vàng hóa", giúp nhu cầu vàng trang sức tăng lên và việc đầu tư tích trức vàng miếng giảm xuống.
Điều này đồng nghĩa với việc, doanh thu của nhiều công ty kinh doanh vàng bạc phụ thuộc vàng thị trường vàng miếng bị tụt giảm đáng kể.
Mặc dù đã được Nhà nước lựa chọn làm doanh nghiệp độc quyền trên thị trường vàng miếng, SJC cũng không tài nào tránh được việc bị tụt giảm doanh thu, kể từ thời điểm Nghị định 24/2012 có hiệu lực.
Theo báo cáo tài chính, SJC từ doanh thu kỷ lục 111.000 tỷ đồng vào năm 2011 xuống còn 16.000 tỷ đồng vào năm 2014, tương ứng với mức giảm 86% so với 3 năm trước đó.
3 năm trở lại đây từ 2015 đến 2017, doanh thu của SJC đã có sự hồi phục nhẹ, lần lượt đạt 17.993 tỷ, 21.594 tỷ và 22.950 tỷ đồng, lãi gộp đạt lần lượt 103 tỷ, 194 tỷ, 173 tỷ đồng.
Lý do cơ bản dẫn đến việc doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận tạo ra không đáng kể là do tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh vàng miếng chỉ trong khoảng 0,1 – 0,5%.
Hiện phần lớn doanh thu của SJC vẫn chủ yếu đến từ kinh doanh vàng miếng. Cùng với đó, SJC cũng chưa bắt kịp nhu cầu của thị trưởng để chuyển đổi mô hình kinh doanh dẫn tới việc tỷ sất lãi gộp của công ty chưa bao giờ trên 1%.
Trái ngược với SJC, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã thấy được "mảnh đất" vàng trang sức của Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu nào có thể chiếm lĩnh và chi phối được thị trường. Do đó, ngay từ năm 2011, PNJ đã thay đổi chiến lược kinh doanh khi tập trung vào mảng trang sức bán lẻ thay vì chỉ kinh doanh vàng miếng truyền thống.
Độ tuổi khách hàng nữ PNJ nhắm tới dao động từ 18 đến 40 tuổi. Đây là nhóm khách hàng đã có nguồn tài chính tương đối ổn định và bắt đầu quan tâm tới thời trang, các phụ kiện trang sức đi kèm...
Đi đúng hướng, doanh thu PNJ năm 2017 đạt 10.977 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với SJC nhưng lãi gộp công ty lên tới 1.912 tỷ đồng, gấp 11 lần SJC. Với mức lợi nhuận này, tỷ suất lợi nhuận của PNJ đạt hơn 17%, trong khi đó SJC là 0,7%.
Tập trung vào thị trường bán lẻ trang sức, PNJ liên tục khai trương thêm cửa hàng. Tính hết năm 2017, công ty đã có 279 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành khác nhau, chiếm khoảng 27% thị phần bán lẻ cả nước.
Theo đánh giá của VPBS, con số này có thể lên tới 28% trong năm 2018 và đạt 30,4% trong năm 2020 nếu tiến độ mở cửa hàng theo đúng kế hoạch của công ty.
Tuy nhiên, chính vì có quá nhiều cửa hàng khiến chi phí quản lý bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tương đối lớn. Dẫn tới lợi nhuận sau thuế cũng giảm đi đáng kể. Năm 2017, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ đạt 901 tỷ đồng, vẫn gấp 10,7 lần so với SJC.
Cùng với đó, PNJ phát triển mô hình bán lẻ với 2 kênh online và offline. Dự kiến doanh thu online trong năm 2018 sẽ tăng 5 lần, đạt khoảng 150 tỷ đồng và đế năm 2021 sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, lý do chính khiến việc kinh doanh của PNJ gấp nhiều lần SJC là do PNJ đã nắm bắt kịp xu hướng thị trường, đi sâu vào thị trường bán lẻ trang sức hơn thị trường vàng miếng truyền thống.