Cung ứng 11 loại vaccine tiêm chủng mở rộng trong năm 2024
Số lượng vaccine trong Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024 là hơn 24,3 triệu liều, bao gồm 11 loại vaccine...
Ngày 10/6, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số1596 /QÐ-BYT ban hành Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Theo đó, đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024 gồm 269.292 trẻ em và 1.203.650 phụ nữ có thai.
Nhu cầu vaccine năm 2024 được ước tính trên cơ sở đăng ký nhu cầu của 63 tỉnh/thành phố, bao gồm số vaccine để tiêm bù mũi cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 chưa được tiêm chủng đủ mũi, đối tượng của năm 2024, và dự trữ trong 6 tháng năm 2025 theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 104/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Số lượng vaccine trong Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024 là 24.318.396 liều, bao gồm 11 loại vaccine, là Viêm gan B sơ sinh, Lao, Bại liệt uống, Sởi, Sởi - Rubella, Viêm não Nhật Bản, Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Uốn ván - Bạch hầu giảm liều, Uốn ván, Rota và DPT-VGB-Hib. Riêng vaccine Bại liệt tiêm tiếp nhận viện trợ từ Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) với số lượng dự kiến khoảng 2.694.000 liều.
Để thực hiện Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024, Bộ Y tế đã đưa ra các hoạt động triển khai như: Rà soát, xây dựng các quy định, hướng dẫn về công tác tiêm chủng; mua vaccine cho các đối tượng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024; kiểm định vaccine; tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine.
Các hoạt động nữa là triển khai kế hoạch sử dụng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiêm chủng an toàn và đạt tiến độ; tăng cường giám sát các bệnh có vaccine trong tiêm chủng mở rộng; tăng cường an toàn tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng và kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng; rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vaccine năm 2025…
Về kinh phí triển khai Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024, ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 13/2024/NĐ-CP.
Kinh phí địa phương bảo đảm nguồn lực và ngân sách địa phương cho hoạt động của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, trừ các hoạt động đã được ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 13/2024/NĐ-CP.
Theo Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng là chương trình do Nhà nước tổ chức, để tiêm chủng miễn phí đối với các vaccine bắt buộc sử dụng, nhằm phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Hiện nay, Chương trình đang triển khai tiêm chủng vaccine để phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm, góp phần quan trọng trong việc thanh toán, loại trừ và giảm mạnh các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Để góp phần đạt được mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ số 4 là giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam cần tiếp tục duy trì những thành quả và tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em là 90%, và bổ sung thêm vaccine phòng 2 bệnh truyền nhiễm. Đến năm 2030 bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%, và bổ sung tiếp vaccine phòng 2 bệnh truyền nhiễm.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022-2030, trong đó phê duyệt bổ sung 4 loại vaccine trong tiêm chủng mở rộng đến năm 2030.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống địch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó, chỉ đạo bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước.
Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV, và từ đầu nhiệm kỳ khoá XV, đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; đảm bảo đủ vaccine và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% đối với tất cả các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng...