Cuộc chiến giữa trà sữa và cà phê ngày càng “nóng”
Các thương hiệu trà sữa có độ nhận diện tốt hơn các chuỗi cà phê. Thậm chí giờ đây trà sữa không chỉ còn là đồ uống mà trở thành một biểu tượng văn hóa, giám đốc Jason Yu của Kantar Worldpanel cho biết…
Những tiệm trà sữa đang dần thống trị Trung Quốc nói riêng và bành trướng ra thế giới nói chung. Khởi nguồn từ thập niên 1980, đồ uống này ban đầu chỉ để giải khát này đang dần lan rộng ra toàn cầu và được người dân ưa chuộng bất chấp kinh tế khó khăn. Ngày nay, hàng nghìn thương hiệu trà sữa mọc lên khắp thế giới. Thậm chí tại phương Tây khi các chuỗi trà sữa lớn từ Trung Quốc chưa tiếp cận, vô số thương hiệu nhỏ lẻ đã mọc lên như nấm.
Theo số liệu của Momentum Works, thương hiệu Mixue đã trở thành chuỗi F&B lớn thứ tư thế giới. Với khoảng 36.000 cửa hàng trên toàn thế giới, quy mô của Mixue đã vượt qua KFC (29.000 cửa hàng), chỉ xếp sau McDonald's (42.175 cửa hàng), Starbucks (38.038 cửa hàng) và Subway (36.592 cửa hàng). Ngoài ra, Mixue cũng được xem là thương hiệu Trung Quốc đầu tiên lọt vào Top 5 chuỗi F&B lớn nhất - nơi vốn được thống trị bởi các thương hiệu đến từ Mỹ.
Theo tờ Financial Times, trong vòng một thập kỷ qua, đặc biệt từ 2017 đến nay, nếu như Subway chứng kiến sự suy giảm về quy mô, còn Starbucks, McDonald's, Domino's hay Burger King duy trì mức tăng quy mô cửa hàng khá ổn định thì đồ thị của Mixue dốc hơn cả. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ như vậy, Mixue có thể vượt qua McDonald's chỉ sau 1 - 2 năm nữa.
Mixue hiện đã có hơn 32.000 cửa hàng tại Trung Quốc và 4.000 chi nhánh tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Khi được Meituan và Hillhouse Investment Management đầu tư vào năm 2020, Mixue được định giá đến 23,3 tỷ Nhân dân tệ, nâng tổng giá trị tài sản ròng của 2 nhà sáng lập lên 1,5 tỷ USD.
Tại Trung Quốc, sau khi trở thành một loại văn hóa không thể thiếu trong xã hội, giờ đây các thương hiệu trà sữa bắt đầu muốn bành trướng ra nước ngoài bằng những chiến lược riêng. "Thị trường nước ngoài là vô cùng tiềm năng", CEO Wang Hongxue của ChaPanda nói trong cuộc họp báo công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HongKong với kỳ vọng gọi vốn được 330 triệu USD.
Trong khi ChaPanda đã mở cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc và đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á thì đối thủ Heytea lại nhắm đến Mỹ với chi nhánh đầu tiên tại New York vào tháng 12/2023. Hai ông lớn nhất trong ngành là Mixue và Guming cũng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại HongKong, đồng thời mở rộng chi nhánh ra quốc tế.
Ngày 23/4/2024 vừa qua, chuỗi cửa hàng trà sữa lớn thứ 3 tại Trung Quốc là Baicha Baidao cũng đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Hong Kong, nhắm đến mức gọi vốn hơn 300 triệu USD. Động thái mới này khiến tổng tài sản ròng của vợ chồng nhà sáng lập Wang Xiaokun và Liu Weihong đạt mức 2,7 tỷ USD, qua đó tạo nên những đại gia mới làm giàu từ trà sữa tại Trung Quốc.
Dù đã cố gắng xây dựng một văn hóa cà phê sang chảnh, nhưng Starbucks ngày càng gặp khó khi nền kinh tế giảm tốc và người dân thắt chặt chi tiêu. Những cửa hàng trà sữa giá rẻ như Mixue, mọc lên nhan nhản khắp các nơi lại trở thành lựa chọn của giới trẻ thay vì ngồi ở những cửa hàng Starbucks. Theo hãng tư vấn Daxue, trà sữa hiện nay tương tự như phim ảnh hay thời trang, không chỉ còn là đồ uống mà còn là một thứ “quyền lực mềm”.
Ví dụ như Mixue, bằng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm với hơn 30.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2023, thương hiệu này có thể bán sản phẩm chỉ với giá 6 Nhân dân tệ. Nhờ tự chủ được nguồn cung ứng với nhà máy, nguyên liệu và dịch vụ hậu cần riêng mà Mixue có thể giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất có thể. Bởi vậy, Mixue có khả năng bành trướng mở rộng rất mạnh tại thị trường nước ngoài.
Ping Xiao, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Melbourne, cho biết các thị trường nước ngoài có cộng đồng người Hoa kiều hoặc sinh viên Trung Quốc mang đến cơ hội thực sự cho người tiêu dùng nước ngoài tiếp xúc với các thương hiệu Trung Quốc và văn hóa trà phong phú của đất nước này. Với giáo sư marketing Jeongwen Chiang của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Âu, sự bành trướng quốc tế của trà sữa có thể dễ dàng đạt được thông qua liên doanh với các đối tác địa phương.
Theo báo cáo mới đây của Future Market Insights, thị trường trà sữa trân châu đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng tăng mạnh mẽ, quy mô được dự báo từ 2,72 tỷ USD năm 2023 lên 6,17 tỷ USD vào năm 2033. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường này dự kiến sẽ tăng 9% trong 10 năm tới. Tại Mỹ, trà sữa được thúc đẩy bởi sự phổ biến ngày càng tăng của văn hóa ẩm thực châu Á và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông xã hội. Cách trình bày hấp dẫn về mặt hình ảnh, các tùy chọn hương vị đã khiến trà sữa trở thành lựa chọn đồ uống mới, được săn đón nhiều hơn.
Báo cáo chỉ ra rằng sữa trân châu ở Mỹ có rất nhiều tiềm năng để khai thác. Những thương hiệu tham gia thị trường có thể tiếp tục tận dụng sự phổ biến và nhu cầu về trà sữa, đồng thời thúc đẩy sự mở rộng thị trường bằng cách giải quyết các mối lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng, áp dụng các cấu hình hương vị mới và sử dụng các phương pháp tiếp thị kỹ thuật số.
Thị trường trà sữa tại đây đang được những thương hiệu như Bobabox, Bubble Tea House, Fokus, Gong Cha, Cha Time, Lolicup... chia phần. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kép thị trường trà sữa Mỹ đạt 23,9%. Trong khi ở Anh quốc, dự báo sẽ phát triển với CAGR là 5,1% vào năm 2033. Tại châu Á, thị trường trà sữa tại Ấn Độ dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR là 4,7% vào năm 2033. Trong khi đó, thị trường trà sữa Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4,8%.
Báo cáo thực hiện mới đây bởi Momentum Works, cũng nhận định cơn sốt trà sữa đã tạo ra một thị trường gần 3,7 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thị trường Việt Nam đứng thứ ba với quy mô hơn 360 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng. Điều này lý giải đến hiện tại vẫn rất nhiều thương hiệu mới gia nhập thị trường trà sữa Việt.