Cuộc đua của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường Việt
Năm 2023 có thể nói là một năm xuất hiện khá nhiều cái tên của các hãng ô tô Trung Quốc. Mức giá của các mẫu xe Trung Quốc được đưa về Việt Nam cũng khá đa dạng, từ hơn 200 triệu đến hơn 2 tỷ, xuất hiện ở nhiều phân khúc khác nhau hiện đang được xe Nhật và Hàn chiếm lĩnh.
Nhiều mức giá, kiểu dáng đa dạng
Nếu như trước đây, các mẫu xe Trung Quốc chủ yếu được nhập khẩu qua một đơn vị thứ 3 về Việt Nam thì trong năm 2023, một số thương hiệu đến từ quốc gia tỷ dân thậm chí còn bắt tay với doanh nghiệp trong nước để lắp ráp xe ngay tại Việt Nam. Đơn cử như trường hợp liên doanh GM – (SAIC – WULING) hợp tác với TMT Motor để lắp ráp mẫu Wuling HongGuang MiniEV trong nước. Đáng chú ý, đây cũng là mẫu ô tô bán điện mini đầu tiên ở Việt Nam. Hongguang Mini EV hiện còn được miễn 100% lệ phí trước bạ theo chính sách hỗ trợ xe điện của Nhà nước.
Kích thước MiniEV khá nhỏ, với chiều dài chưa đến 3 mét, chiều rộng chưa đến 1,5 mét. Xe chỉ nặng 665 kg khi không tải. Nội thất bố trí 4 chỗ ngồi với 2 cửa ra vào 2 bên. Trang bị tiện nghi của xe khá cơ bản với 1 màn hình 7 inch sau vô lăng, điều hòa cơ khí, hệ thống chống bó phanh và 1 túi khí người lái. Theo công bố của nhà sản xuất, MiniEV có thể di chuyển tới 170 km sau một lần sạc đầy. Pin đầy thời gian là 9 loại dung lượng cao nhất.
Tiếp đến, từ đầu tháng 7, Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (SAIC) chính thức tiếp quản việc phân phối các dòng xe MG tại Việt Nam. Bằng việc thành lập công ty SAIC Motor Vietnam, hãng ô tô Trung Quốc SAIC Motor International Co Ltd đã chính thức thế chân Tanchong (Malaysia) để phân phối xe Morris Garage (MG) tại Việt Nam. SAIC Motor International Co Ltd (SMIL) là công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (Shanghai Automotive Industry Corporation) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô với quy mô lớn nhất Trung Quốc.
Trước đó, thương hiệu xe Trung Quốc MG vào thị trường Việt Nam từ tháng 5/2020 với hai mẫu crossover MG ZS và HS. Đến tháng 3/2022, danh mục sản phẩm được bổ sung mẫu sedan MG5.
Khi SAIC chính thức tiếp quản hoạt động kinh doanh ở thị trường trong nước, chiến lược của công ty này sẽ tiếp tục mở rộng dải sản phẩm, nhập khẩu các mẫu xe Trung Quốc. Hai mẫu xe đầu tiên được giới thiệu tới khách Việt sau khi MG Motor có nhà phân phối mới là MG5 MT và RX5. Trong đó, MG5 MT là mẫu sedan hạng C rẻ nhất Việt Nam với giá niêm yết là 399 triệu đồng.
Ngoài MG5, hãng còn đưa ra một dòng sản phẩm hoàn toàn mới là RX5. Mẫu xe này được định vị ngang với Mazda CX-5. Giá xe từ 739 triệu đồng hiện được giảm giá còn 699 triệu đồng.
Mới nhất và cũng là mẫu xe “chốt sổ” năm 2023 là mẫu xe Haima 7X và 7X-E ở phân khúc MPV. Trong đó, Haima 7X có giá xe từ 865 triệu đồng. Mẫu xe này có khá nhiều trang được trang bị cao cấp như hệ thống tích hợp và làm mát, màn hình kép 12,3 inch, ghế kiểu thương gia. Công nghệ an toàn của mẫu xe này khá nhiều với các tính năng ADAS, camera 360 độ, cảm biến trước/sau và 6 túi khí.
Ở mức giá cao hơn với mức giá trên 1 tỷ đồng là Haima 7X-E, Haval H6 và Lynk & Co 09. Trong đó, ra mắt sớm nhất là Haval H6 có giá bán công bố khi ra mắt là 1,096 tỷ đồng. Trong những tháng cuối năm, giá xe liên tục được khuyến mãi, giảm còn 852-862 triệu đồng. H6 dùng động cơ hybrid 1.5L cho công suất tới 243 mã lực. Hãng công bố xe chỉ tiêu trung bình 5,2 lít xăng/100 km.
Tiếp đến là 7X-E - dòng xe MPV 7 chỗ thuần điện đầu tiên tại thị trường Việt Nam mang thương hiệu Haima của Trung Quốc, có giá bán dao động 1,111 - 1,23 tỷ đồng đã chính thức có mặt trên thị trường từ ngày 17/12. Điểm đặc biệt nhất của mẫu xe Trung Quốc này là từ động cơ điện thực hiện 201 mã lực. Theo công bố, xe có thể chạy được 510 km sau một lần sạc pin theo chuẩn CLTC. Công nghệ sạc nhanh cho phép sạc 30-80% trong 27 phút.
Có mức giá gây nhiều tranh cãi nhất là Lynk & Co 09. Lynk & Co 09 là mẫu xe Trung Quốc được đánh giá khá đắt đỏ. Giá niêm yết của xe được công bố 2.199 tỷ đồng. Lynk & Co đã giới thiệu 3 mẫu xe mới bao gồm 01, 05 và 09. Trong đó, 01 và 05 là SUV hạng C, 09 là SUV hạng D với kích thước lớn nhất. Đây cũng là mẫu xe cao cấp nhất của hãng dành cho thị trường Việt Nam tính đến thời điểm này.
Được thành lập vào năm 2016, Lynk & Co là một thương hiệu ô tô toàn cầu, liên doanh giữa Tập đoàn Ô tô Geely và Tập đoàn Ô tô Volvo. Lynk & Co-thương hiệu xe hơi toàn cầu được khẳng định bởi công nghệ hiện đại, tính năng an toàn vượt trội và thiết kế thời thượng.
Ngoài các mẫu xe kể trên, hiện vẫn còn nhiều mẫu xe Trung Quốc khác đang “ngấp nghé” đưa về Việt Nam ở dạng trưng bày, chưa có giá bán chính thức cũng như ngày mở bán như Lynk & Co 01, 05 hay Haima 8S, Omoda 5, Jaecoo 7, Omoda S5, MG cũng đã nhập về xe MG7 và HS mới nhưng chưa công bố ra mắt.
Làn sóng xe Trung Quốc trong năm 2024
Năm 2023 chỉ còn ít ngày nữa là khép lại, những hãng xe Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2024 tại thị trường Việt. Thực tế, trên thế giới, tại Mỹ, các hãng xe Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn để xâm nhập vì chính quyền Mỹ thắt chặt bằng các chính sách cứng rắn. Tại châu Âu, Trung Quốc cũng đang vướng phải các căng thẳng sau khi EU điều tra chống trợ cấp xe điện của nhiều hãng ô tô từ quốc gia tỷ dân. Chính vì vậy, châu Á, Đông Nam Á, chính là mảnh đất màu mỡ mà các hãng xe Trung Quốc hướng đến cũng không quá khó hiểu.
Đặc biệt, nhiều đơn vị nhập khẩu cũng chuyển sang nhập xe từ Trung Quốc vì có giá bán hợp lý hơn vì xe nhập từ châu Âu hay Mỹ cũng khiến chi phí nhập xe cao. Khi chuyển đổi thị trường nhập khẩu, hãng sẽ bớt được nhiều chi phí, giúp giá xe dễ tiếp cận hơn.
Năm 2024 cũng được dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam có thể kể đến như: Lynk & Co 01 và 05 chưa được giới thiệu; Haima còn mẫu 8S thuộc phân khúc C-SUV. TMT Motors theo một số nguồn tin có kế hoạch ra mắt Baojun Yep và Wuling Bingo trong năm 2024.
Hay đang chú ý nhất là Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo đã “chơi lớn” khi ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Mục tiêu của dự án là đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bao gồm ô tô sử dụng động cơ đốt trong, ô tô điện xăng (PHEV) và ô tô sử dụng pin nhiên liệu.
Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Hưng Phú - Khu kinh tế tỉnh Thái Bình. Với thiết kế theo tiêu chuẩn xanh và sử dụng công nghệ tiên tiến, nhà máy sản xuất hàng loạt các loại ô tô điện, từ xe phân khúc hạng trung đến hạng sang.
Quy mô đầu tư sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2023-2030. Giai đoạn này Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm. Giai đoạn 2 của dự án từ năm 2031 đến 2033.
Sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, tiến hành đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 50.000 xe/năm để nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lên 100.000 xe/năm. Giai đoạn 3 (2034-2035), Tập đoàn sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 100.000 xe/năm để nâng công suất toàn nhà máy lên 200.000 xe/năm và đầu tư mở rộng khu công nghiệp phụ trợ thêm 50 ha để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 60%.