Cuộc đua nghẹt thở với mạng xã hội
Mạng xã hội nở rộ vài năm qua khiến những con đường của các nhà báo không còn trải đầy hoa hồng. Mỗi người dân với smartphone, facebook, youtube đang tự mình trở thành những nhà báo không chuyên và luôn hoạt động rất tích cực. Họ đưa tin tức, thậm chí tổ chức truyền hình trực tiếp với lượng người theo dõi rất lớn...
Nhà báo, những người hoạt động báo chí chuyên nghiệp đứng trước một áp lực đào thải, tụt hậu vô cùng lớn. Làm thế nào để cạnh tranh, phát triển trong bối cảnh hiện tại là câu hỏi không dễ trả lời.
Phạm Thùy Linh, 27 tuổi có thâm niên hơn ba năm làm phóng viên cho một kênh truyền hình lớn tại Hà Nội. Công việc của Linh được bạn bè, người thân coi là khá thuận lợi. Nhưng sau ba năm, cô vẫn quyết định bỏ ngang. Linh nhận thấy, nếu tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp này, cô không có khả năng phát triển bản thân cũng như không có hy vọng thay đổi cuộc sống hiện tại theo hướng sung túc hơn.
NHIỀU NHÀ BÁO CHUYÊN NGHIỆP "HỤT HƠI"
“Tôi là phóng viên chuyên làm tin về an ninh trật tự nên rất cần các tin tức nóng, các sự vụ phức tạp xảy ra trong xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi khi cùng đồng nghiệp đăng ký được máy quay, quay phim và xe ô tô để tới hiện trường nhằm thực hiện phóng sự, tin tức thì đã có hàng chục, hàng trăm clip xuất hiện trên mạng xã hội do người dân đăng tải. Các “nhà báo nhân dân” đưa tin, truyền hình trực tiếp ngày càng chuyên nghiệp”, Linh thừa nhận.
Việc liên tục bị đánh bại, phải “chạy theo đuôi” những dòng chảy tin tức mà người dân cung cấp khiến Linh cũng như nhiều phóng viên khác cảm thấy mình đang làm một công việc khá vô ích, lãng phí công sức của mình và tài lực, vật lực của tòa soạn.
Sau ba năm làm việc với tâm trạng bức xúc, chán nản như vậy, cô quyết định nghỉ việc. Đó là một quyết định khó khăn nhưng không thể chậm hơn. Linh cùng gia đình chuyển về thành phố Hòa Bình để sinh sống và bắt đầu kinh doanh nhỏ.
Tại cơ quan của Linh có nhiều người đã quyết định thôi việc. Không chỉ là những phóng viên non nghề mà cả những người đã có tên tuổi vẫn quyết bỏ sự nghiệp sau nhiều năm gắn bó. Tất nhiên, có nhiều lý do khác nhau nhưng tựu chung lại, nghề báo đã không còn quá hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi.
Mỗi người dân với chiếc điện thoại thông minh, kết nối Internet siêu tốc đã và đang tự tìm cách trở thành một “nhà báo không chuyên”. Họ tự đưa tin, tự bình luận, tổ chức show trực tiếp không kém gì một cơ quan báo chí thu nhỏ. Tổng biên tập cũng chính là phóng viên kiêm lái xe...
Nhiều tài khoản mạng xã hội của cá nhân trở thành kênh thông tin, dù chưa biết kênh đó đúng hay sai nhưng luôn có hàng chục, hàng trăm ngàn người theo dõi trên mạng xã hội và nghiễm nhiên thực hiện công việc cùng với nhà báo hoặc thay cho nhà báo.
NHÀ BÁO CHUYỂN HƯỚNG
Để cạnh tranh với hàng triệu “nhà báo không chuyên”, anh Bùi Minh, một người làm báo lâu năm, cho biết anh đã đầu tư hơn ba năm để xây dựng trang facebook cá nhân, thu hút hàng chục ngàn người theo dõi để phục vụ công việc trong “thời kỳ mới”.
Với mức lương khoảng 5 triệu của tòa soạn, cộng với nhuận bút tương đương như vậy, Minh khó lòng chi trả các khoản trong gia đình của mình, chính vì vậy anh quyết định "nương" theo trào lưu của mạng xã hội để giữ nghề của mình. Mất ba năm để anh Minh trở thành một "hải đăng mạng".
Với ưu thế của một nhà báo, có nhiều nguồn thông tin chính thống, có khả năng viết tốt nên sau ba năm đầu tư vào facebook, các bài viết trên mạng xã hội của anh Minh thường có lượng người đọc rất lớn, thậm chí lớn hơn rất nhiều các bài viết có nội dung tương tự anh dùng để đăng báo.
Những người theo dõi trang facebook của Minh thường để lại nhiều lời cám ơn vì qua các bài phản biện, bình luận của anh, họ có thêm được những góc nhìn mới tích cực hơn.
Anh Minh cho biết hiện nay với những trang facebook uy tín, có khả năng thu hút người đọc như trang facebook của anh có nhiều doanh nghiệp agency đã liên hệ để đặt bài PR, quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ. Mức nhuận bút mà các doanh nghiệp trả cho anh Minh, một nhà báo kiêm facebooker là khá tốt”. Có những post tôi được trả thù lao khoảng 10 triệu hoặc hơn. Đây là nguồn thu nhập không tồi và không vi phạm phạm luật”, anh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia truyền thông mạng xã hội cho biết hiện các doanh nghiệp lớn khi triển khai các chiến dịch truyền thông, họ sẽ bỏ ra một khoản lớn để “phủ sóng” các facebooker đình đám, có uy tín trên mạng xã hội.
Mục tiêu của doanh nghiệp khi đặt mối quan hệ với nhà báo kiêm facebooker, một là để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; hai là tạo ra mối quan hệ tốt với những nhà báo sử dụng mạng xã hội như một công cụ quan trọng phục vụ cho công việc của mình.
Mặc dù kiếm được, nhưng đây là một hướng đi tạm thời. “Tôi vẫn mong được làm nghề một cách toàn tâm toàn ý hơn. Đôi khi viết bài trên facebook phải có các chiêu trò để bài của mình nổi bật hơn, độc đáo, lạ hơn cách đưa tin của những người dùng mạng xã hội. Viết bằng các chiêu trò như vậy, nằm hoàn toàn ngoài quy tắc đưa tin báo chí, nhưng có như vậy lượng tương tác mới ổn định và tăng trưởng dần đều. Nếu các post không giữ được quanh mức 1.000 like, trang cá nhân sẽ mất dần uy tín, doanh nghiệp cũng sẽ quay lưng. Tiếp tục cách viết khá “bông lơn” trên mạng xã hội, tôi sợ lâu dần sẽ hỏng tay nghề”, Minh chia sẻ.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẠNH TRANH VỚI MẠNG XÃ HỘI
Thực tế, những nhà báo phải chuyển sang “cách chơi” mới trong tình hình mới như anh Minh không hiếm.
Theo một facbooker giấu tên, số lượng các nhà báo trở thành "hải đăng mạng" hiện nay ước chừng khoảng 40 - 50 người. Những nhà báo - cây viết này có thể tạo ra hiệu ứng truyền thông khá lớn, thậm chí có những nhóm đã liên kết để cùng thực hiện các dự án truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp.
Nhưng trở thành hải đăng mạng cũng là một công việc phải đối mặt với rất nhiều áp lực, cám dỗ. Nếu không tỉnh táo để giữ mình, tránh xa những "dự án đánh đấm" thì sẽ rất dễ vi phạm pháp luật.
Thời gian vừa qua, có nhiều facebooker đã bị phạt hành chính, nhiều người bị truy tố vì vi phạm pháp luật khi dùng mạng xã hội đưa thông tin thất thiệt, sai sự thật, xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân khác.
Trường hợp của facebooker Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo sạch mới bị truy tố là một ví dụ điển hình. Trang facebook cá nhân của Trương Châu Hữu Danh cùng group Báo sạch có hàng vài chục ngàn lượt người theo dõi. Dựa vào các kênh truyền thông này, Danh cùng đồng phạm đã đăng tải rất nhiều thông tin sai sự thật liên quan đến các dự án tại thành phố Cần Thơ.
Nhà báo Phạm Quý Trọng, Tạp chí Tuyên giáo, cho rằng chạy theo mạng xã hội, cạnh tranh để không bị tụt hậu trên môi trường Internet xét cho cùng là việc tốt, vì có cạnh tranh mới có phát triển.
“Mạng xã hội nó như biển thông tin. Hiện nay những người dân đều có thể làm công việc giống như của nhà báo đang làm. Họ cũng có thể bình luận, đưa ra góc nhìn, thậm chí hàng ngàn người đều đăng tải quan điểm giống nhau về một sự việc, hiện tượng. Nếu các nhà báo lang thang trên đó biết chắt lọc, biết định hướng và có khả năng tư duy, phản biện với các vấn đề xã hội thì sẽ tiếp nhận vô số cái hay cái đẹp, cái lạ. Còn nếu không có khả năng phân tích, chắt lọc thông tin sẽ dễ bị "tự chuyển hóa, tự chuyển biến' sẽ đẩy bản thân đến một thái cực khác. Thậm chí chết chìm trong like, share của cộng đồng mạng dẫn đến ảo tưởng quyền lực, ảo tưởng sức nặng cây viết bản thân”. Nhà báo Phạm Quý Trọng bình luận.
Báo chí nên dẫn dắt câu chuyện theo hướng hay nhất, tốt nhất cho cộng đồng
Ông Nguyễn Bá Ngọc, một người làm báo lâu năm và cũng đã bỏ nghề báo, hiện ông Ngọc đang là Giám đốc phụ trách Quan hệ đối tác Chiến lược Tập đoàn EQuest. Nhìn nhận, đánh giá về báo chí trong cuộc đua với mạng xã hội, ông Ngọc cho rằng: "Vấn đề người người tự “làm báo” đã được đặt ra từ lâu khi mạng xã hội, điện thoại thông minh phát triển. Hơn nữa hạ tầng viễn thông cũng liên tục được nâng cấp từ 3G rồi 4G và nay là 5G. Mỗi người bây giờ không chỉ có facebook mà còn rất nhiều công cụ và kênh để đưa thông tin nói riêng và làm đủ thứ về thông tin nữa".
Chính vì vậy, nếu nhà báo tiếp tục đi theo thế mạnh truyền thống là đưa tin nhanh thì khó cạnh tranh vì báo chí gần như không có ưu thế có mặt ở hiện trường khi xảy ra sự kiện nữa. Do đó, nhà báo cần làm thứ khác mà một người khó làm được, thí dụ nhìn ra các khía cạnh bên trên, bên cạnh, đằng sau... của sự kiện mà khai thác.
Tuy nhiên, nhà báo cũng phải tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng những quan điểm góc nhìn đúng đắn của những nhà báo không chuyên. Có như vậy họ mới kế thừa, chắt lọc được những nội dung thông tin quý báu từ mạng xã hội, từ đó làm giàu cho vốn sống, tri thức bản thân để nâng cao bút lực và bản lĩnh nghề nghiệp.
“Báo chí không nên cạnh tranh với mạng xã hội mà phải nhìn nhận, sử dụng công chúng và hợp tác với họ để có những thông tin hay hơn, tầm cỡ hơn. Báo chí nên dẫn dắt câu chuyện theo những hướng hay nhất, tốt nhất cho cộng đồng, chứ không nên chạy theo thông tin đơn thuần”, ông Ngọc nêu quan điểm.