Đã có 534 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022, lợi nhuận sau thuế tăng 20,8%
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ của 534 doanh nghiệp và ngân hàng chậm lại đáng kể, đạt 20,8%...
Theo thống kê của FiinTrade, tính đến ngày 24/10/2022, đã có có 534/1699 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 47,1% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh Q3/2022, bao gồm 20/27 ngân hàng và 486/1580 doanh nghiệp Phi tài chính.
Trong quý 3/2022, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ của 534 doanh nghiệp và ngân hàng dù chậm lại nhưng vẫn tăng đáng kể 20,8%.
Với nhóm Ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của 20/27 ngân hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 53,6%, nhưng giảm nhẹ -3,7% so với quý 2/2022 vì tín dụng tăng chậm lại khi phần lớn hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp đã được sử dụng trong nửa đầu năm 2022.
NIM cải thiện mạnh so với cùng kỳ và so với quý 2 ở các ngân hàng có ưu thế về cho vay tiêu dùng (ACB, VPB, MSB) nhưng thu hẹp ở nhóm ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ tín dụng ở mức cao (bao gồm TCB, MBB, TPB).
Với khối Phi tài chính, lợi nhuận sau thuế Q3/2022 giảm -7,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Có 171 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 30% tổng vốn hóa của 486 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ với doanh thu và biên cùng giảm, đặc biệt ở nhóm ngành chu kỳ và phụ thuộc lớn vào biến động giá hàng hóa như Thép (TIS), Dầu khí, Cao su (DRG, RTB, TRC), Than (TVD, NBC), Gỗ (PTB). Sự sụt giảm về lợi nhuận ở các nhóm ngành này dự kiến sẽ tiếp tục trong quý 4/2022 do (i) nền so sánh Q4-2021 ở mức cao và (ii) giá các loại hàng hóa này đang đà giảm.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đang chậm lại ở nhóm ngành hàng xuất khẩu, bao gồm Cảng biển & Logistics (GMD, HAH), Thủy sản (VHC), Phân bón (DPM, DCM), và Hóa chất (DGC).
Tình trạng lạm phát tăng cao tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu đang khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chính của Việt Nam. Cần lưu ý rằng, đây là những nhóm ngành có lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý 4/2021 nhờ hưởng lợi từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, nền so sánh ở mức cao cùng với các yếu tố bất lợi về nhu cầu tiêu dùng hiện tại sẽ là trở ngại lớn đối với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các nhóm ngành này trong quý 4/2022.
Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận đó là nhiều doanh nghiệp thuộc ngành có tính phòng thủ như Điện (Thủy điện, Nhiệt điện than) và Dược phẩm có lợi nhuận tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận sẽ phân hóa tùy từng mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.
Ví dụ, cùng là doanh nghiệp ngành Điện nhưng nhóm Nhiệt điện Than (HND, QTP) sẽ có lợi thế về tăng trưởng trong thời gian tới hơn là một số doanh nghiệp Thủy điện khác (DNH, SBH).
Tương tự với nhóm Dược phẩm, tăng trưởng lợi nhuận Q3/2022 cao ở những doanh nghiệp với kênh phân phối chính là bệnh viện và các trung tâm y tế như PBC và MKP và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tới khi hoạt động đấu thầu thuốc và vật tư y tế diễn ra tích cực hơn.