Đà Nẵng tính mở đợt cao điểm ra quân triển khai thực hiện Đề án 06
Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”(Đề án 06/CP), sau 01 năm triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận...
Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) vừa được tổ chức, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng Đề án 06/CP có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, qua đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại của công dân; công tác làm sạch dữ liệu được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo dữ liệu từng cấp, từng ngành, từng địa phương; việc thu nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân có gắn chíp và cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 được đẩy mạnh; công tác tuyên truyền được quan tâm, thực hiện với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú... Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hành động, tạo sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện Đề án 06/CP.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố phát huy những kết qủa đã đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là tiếp tục duy trì việc thu thập, cập nhật thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xác định đây là “xương sống” trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP; triển khai các giải pháp làm sạch bảo đảm dữ liệu từng ngành, từng cấp, từng địa phương “đúng, đủ, sạch, sống” để kết nối, chia sẻ phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Đề án 06/CP.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Công an thành phố, Sở Nội vụ và các địa phương kiện toàn lại các Tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP để phát huy hiệu quả cao hơn nữa.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, trước mắt nghiên cứu mở đợt cao điểm ra quân triển khai thực hiện Đề án, hỗ trợ nhân dân trong 3 tháng hè. Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo viên làm nòng cốt của các Tổ công tác và nghiên cứu cơ chế hoạt động, chính sách hỗ trợ các Tổ công tác ở cơ sở.
Chủ tịch Thành phố cũng thống nhất đề xuất của Công an thành phố về việc lập nhóm Zalo của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP của thành phố để kịp thời điều hành, giải quyết các khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện, đồng thời đôn đốc tiến độ thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, Chủ tịch thành phố cũng thống nhất nhập Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ thực hiện Đề án 06 ở cơ sở.
Theo báo cáo sơ kết, tính đến tháng 4-2023,toàn thành phố Đà Nẵng có 81/96 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID; đã triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến. Nhiều sở ngành như Y tế, Giáo dục, Lao động Thương binh và xã hội đã tổ chức làm sạch dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.
Việc thực hiện 5 nhóm tiện ích cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là đã kết nối, tích hợp giữa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố và triển khai đến 100% các sở, ngành, địa phương trực thuộc UBND thành phố để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công.
Hiện Đà Nẵng đã triển khai cung cấp 22/25 dịch vụ công thiết yếu, đang triển khai 03/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP; đã tiếp nhận, giải quyết 358.060 hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, trong đó, một số dịch vụ công có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% và cao trên 90%.
Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trọng tâm là tiện ích của thông tin công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID, 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06/CP, 28 dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công và 7 phương thức sử dụng thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.