Đà tăng khựng lại dưới áp lực chốt lời, vốn ngoại tiếp tục gom ròng hơn 1.400 tỷ
Sau nhịp tăng ngắn đầu phiên, thị trường đã hạ nhiệt đáng kể khi áp lực chốt lời gia tăng, xuất phát từ nhóm blue-chips trước tiên. Tuy nhiên giao dịch vẫn rất sôi động ở nhiều cổ phiếu, đặc biệt PDR được dòng tiền mạnh vào bắt đáy, trong đó có khối ngoại. Nhóm này thậm chí mua ròng tới hơn 1.400 tỷ đồng tại HoSE...
Sau nhịp tăng ngắn đầu phiên, thị trường đã hạ nhiệt đáng kể khi áp lực chốt lời gia tăng, xuất phát từ nhóm blue-chips trước tiên. Tuy nhiên giao dịch vẫn rất sôi động ở nhiều cổ phiếu, đặc biệt PDR được dòng tiền mạnh vào bắt đáy, trong đó có khối ngoại. Nhóm này thậm chí mua ròng tới hơn 1.400 tỷ đồng tại HoSE.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay tăng gấp rưỡi sáng hôm qua, đạt 10.773 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi tăng 1,57% so với tham chiếu lên 1.018,89 điểm lúc 10h15, VN-Index đã trượt giảm dần và đến cuối phiên chỉ còn tăng 0,01% tương đương 0,07 điểm. Độ rộng từ chỗ số tăng gấp 5 lần số giảm, kết phiên cũng cân bằng với 219 mã tăng/218 mã giảm.
Diễn biến giá như vậy kết hợp với mức thanh khoản tăng cao cho thấy đang có áp lực bán xuất hiện, bắt đầu ép được giá cổ phiếu xuống. VN-Index chịu tác động rõ hơn từ nhóm vốn hóa lớn suy yếu. Chỉ số VN30-Index từ chỗ tăng cao nhất 1,45% đã thành giảm 0,16% so với tham chiếu. Độ rộng của rổ blue-chips này cũng chỉ còn 11 mã tăng/16 mã giảm.
Nhiều cổ phiếu hạ độ cao rất mạnh, từ xanh thành đỏ trong nhóm blue-chips và ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến các chỉ số. VPB từ tăng 1,55% thành giảm 2,8%, tức là thay đổi tới 4,28% chỉ trong buổi sáng. Cổ phiếu này đạt đỉnh lúc 9h40 và lao dốc liên tục trong toàn thời gian còn lại. VPB trở thành cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất với -0,8 điểm và khiến VN30-Index mất 2,1 điểm.
Nhóm GVR, HPG, SSI, TCB, TPB, VIB, POW đều tụt dốc tối thiểu 3% so với giá đỉnh trong ngày, dù không phải mã nào cũng tụt qua tham chiếu. Ảnh hưởng xấu nhất đến VN-Index sau VPB là CTG giảm 2,2%, BID giảm 1,39%, GAS giảm 0,89%, GVR giảm 3,19%, VNM giảm 0,86%...
Phía tăng, giao dịch đáng chú ý nhất là PDR, xuất hiện lực mua cực lớn ngay lúc mở cửa, quét sạch lượng bán sàn. Chỉ trong vài phút cổ phiếu này quay đầu tăng kịch trần. Như vậy sau NVL, đến lượt PDR cũng được giải cứu. Chỉ còn HPX vẫn đang bị dư bán sàn 72,4 triệu cổ. NVL sáng nay thanh khoản khá tốt với gần 9 triệu cổ tương ứng 195,6 tỷ đồng. PDR thanh khoản đột biến 93,6 triệu cổ tương ứng 1.072,4 tỷ đồng.
Ngoài NVL và PDR kịch trần, rổ VN30 có thêm KDH tăng 5,42%, MWG tăng 2,24%, VCB tăng 1,83%, VHM tăng 1,79%, VIC tăng 1,23% và VRE tăng 1,19%.
Với độ rộng vẫn đang cân bằng, thị trường có nhiều cổ phiếu giao dịch tốt và có dòng tiền mạnh. EIB đang tăng 5,4% với thanh khoản 138,9 tỷ đồng; LCG tăng 5,75%, thanh khoản 54,8 tỷ; DXG tăng 3,56% giao dịch 343,2 tỷ; DGC tăng 3,34% giao dịch 188,7 tỷ... Hiện HoSE có 122 cổ phiếu vẫn đang tăng trên 1%. Trong khi đó phía giảm cũng ghi nhận 113 mã giảm trên 1%.
Ấn tượng mạnh sáng nay là khối ngoại cũng tham gia giải cứu PDR đồng thời đổ tiền mua rất nhiều ở các mã khác. PDR được khối này mua hơn 20 triệu đơn vị, chiếm 21,5% tổng thanh khoản., giá trị mua ròng tương ứng 228 tỷ đồng. HPG được mua ròng 167,4 tỷ, VHM +162,9 tỷ, MSN +108,1 tỷ, SSI +100,7 tỷ, KDH +71,4 tỷ, KBC +61,7 tỷ, GEX +59,4 tỷ, VIC +57,2 tỷ, VND +53,3 tỷ...
Tổng giá trị mua vào trên HoSE lên tới 1.845,8 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng giao dịch của sàn này. Phía bán chỉ là 440,9 tỷ đồng, tương ứng mua ròng tới 1.404,9 tỷ. Với riêng cổ phiếu trong nhóm VN30, khối này giải ngân 1.396,4 tỷ, bán ra 303 tỷ, tương đương mua ròng 1.093,4 tỷ đồng.
VN-Index mất điểm và trượt dốc sáng nay có tín hiệu chốt lời ngắn hạn là bình thường khi đà tăng giá khá nhanh trong 2 phiên vừa qua, chưa kể lượng hàng rẻ nhất từ đáy cũng chưa bán ra nhiều trong tuần điều chỉnh trước. Điều quan trọng là vẫn sẽ có dòng tiền mới vào canh mua khi giá giảm và đây là lực đỡ chung, bên cạnh sự phân hóa của nhóm cổ phiếu dẫn dắt.