Đại gia Đài Loan nhắm vào Nhật Bản, làm bàn đạp sản xuất ô tô điện
Các nhà phân tích cho rằng nếu bất cẩn trong quan hệ đối tác, công nghệ Nhật Bản sẽ bị người Đài Loan hút mất và Nhật Bản cũng bị Đài Loan vượt mặt trong ngành công nghiệp ô tô.
Năm 2016, vụ thâu tóm tập đoàn điện tử Sharp của các đối tác Đài Loan đã khiến ngành sản xuất Nhật Bản phải nhướng mày kinh ngạc. Đến nay, các công ty Đài Loan lại tiếp tục mở rộng phạm vi sang mảng ô tô, tìm kiếm một con đường tắt để sản xuất xe điện của riêng mình.
Theo báo Nikkei của Nhật, thị trường ô tô Đài Loan có quy mô chưa bằng một phần mười của Nhật Bản, vì vậy rất khó khăn khi muốn thu hút những người chơi lớn. Thay vào đó, những hãng có tên tuổi như nhà lắp ráp iPhone Hon Hai Precision Industry, còn được gọi là Foxconn, và nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. đang tìm cách học hỏi bí quyết từ các công ty lớn hơn của Nhật Bản.
Chủ tịch Young Liu cho biết Hon Hai dự kiến doanh thu hàng năm là 1 nghìn tỷ đô la Đài Loan mới (34,4 tỷ USD) trong lĩnh vực kinh doanh xe điện trong ba năm tới. Công ty dự kiến sẽ xuất xưởng 500.000 đến 750.000 xe mỗi năm vào năm 2025, chiếm 5% thị phần toàn cầu.
Cho đến nay, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Hon Hai đã hợp tác với 2.360 nhà cung cấp khi họ chuẩn bị “bung lụa” mảng kinh doanh xe điện vào năm 2023. Gần 100 công ty có trụ sở tại Nhật Bản, bao gồm cả nhà sản xuất động cơ Nidec, công bố họ đã bắt đầu thảo luận để thành lập liên doanh với Hon Hai.
"Hon Hai không có kiến thức chuyên môn về sản xuất ô tô, vì vậy, họ rất mong muốn có công nghệ từ phía Nhật Bản", một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu Nhật Bản cho biết.
Không chỉ Hon Hai, các công ty Đài Loan khác cũng đang có động thái tương tự. United Microelectronics Corp. (UMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới, đã thông báo vào tháng 4 rằng họ sẽ hợp tác với thành viên Denso của tập đoàn Toyota Motor về các thiết bị bán dẫn điện được sử dụng trong xe điện. Kế hoạch là Denso thiết kế chip và UMC sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở tỉnh Mie của Nhật Bản.
Vào tháng 2, Denso đã nắm cổ phần thiểu số trong công ty điều hành nhà máy sản xuất chip theo kế hoạch của TSMC ở tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm chip cho hệ thống lái xe tự động.
Những động thái này của các công ty Đài Loan diễn ra đúng khi thị trường xe điện toàn cầu được dự báo sẽ bùng nổ. Các công ty Đài Loan được truyền cảm hứng từ thành công trong quá khứ, khi họ từng sử dụng chiến lược mua lại các đối tác Nhật Bản làm bàn đạp để phát triển quy mô lớn hơn.
Các công ty Đài Loan bắt đầu thu hút nhiều nhà sản xuất Nhật Bản hơn vào những năm 2010 khi các công ty sau này phải hứng chịu một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính. Việc mua lại Sharp trị giá 388,8 tỷ Yên (3,05 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) của Hon Hai vào năm 2016 là một thương vụ mang tính bước ngoặt, đưa một trong những thương hiệu điện tử được công nhận nhất Nhật Bản thuộc sở hữu nước ngoài.
Các thương vụ mua lại không dừng lại ở đó. Hon Hai đã mua mảng kinh doanh máy tính cá nhân của Toshiba vào năm 2018 và UMC nắm toàn quyền sở hữu liên doanh bán dẫn tiên tiến với Fujitsu vào năm 2019.
Năm 2020, Winbond Electronics mua lại mảng kinh doanh bán dẫn của Panasonic Holdings, bao gồm cả một trung tâm sản xuất. Cùng năm đó, Hon Hai đã sử dụng Sharp làm nền tảng để mua lại nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng từ nhà cung cấp Japan Display đang gặp khó khăn của Apple.
Những thương vụ như vậy đã nâng cao vị thế của Đài Loan như một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Cán cân quyền lực trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao đã thay đổi theo hướng có lợi cho Đài Loan được thể hiện qua việc Nhật Bản sẵn sàng cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ để thu hút đầu tư từ TSMC và UMC.
Một số nhà theo dõi ngành công nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ sự lo lắng về cách các công ty Đài Loan đang mở rộng mục tiêu sang ngành công nghiệp ô tô. Ở đó, họ tìm cách xây dựng các mối quan hệ riêng trong một lĩnh vực mà các mối quan hệ truyền thống sâu sắc rất được coi trọng. Mối quan hệ tương đối thân thiện giữa Tokyo và Đài Bắc khiến quá trình này trở nên dễ dàng hơn.
"Nếu bất cẩn trong quan hệ đối tác và các vấn đề khác, chúng ta có thể thấy công nghệ Nhật Bản bị người Đài Loan hút mất và Nhật Bản cũng bị Đài Loan vượt mặt trong ngành công nghiệp ô tô", một nhà phân tích cho biết.
Người này nói: “Các công ty Nhật Bản rất cảnh giác với các thương vụ mua lại và liên kết với các công ty Trung Quốc, nhưng họ lại quá thiếu ý thức đó đối với các công ty Đài Loan”.
Một chuyên gia Nhật Bản về mua bán và sáp nhập xuyên biên giới cho biết các công ty Nhật Bản "đừng bao giờ cung cấp công nghệ tiên tiến cho một bên khác ngay cả khi hợp tác với họ".
“Muốn chung tay thì nên làm với điều kiện đối tác được chia lợi nhuận chứ không chia công nghệ”, người này nói.