Đánh giá Việt Nam hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp FDI muốn mở rộng đầu tư
Dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư đầy tiềm năng ở cả trước mắt cũng như lâu dài…
Đánh giá về cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5, ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm CEO của Hoiana Resort & Golf cho biết du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là một số sản phẩm như du lịch mạo hiểm, du lịch y tế và du lịch golf…
“Trong năm 2019, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới với tổng thu từ du lịch trong năm 2019 đạt khoảng 755.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP. Tôi cho rằng con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của du lịch Việt Nam”, ông Steve nói.
THỊ TRƯỜNG HẤP DẪN, NHIỀU DOANH NGHIỆP MUỐN MỞ RỘNG ĐẦU TƯ
Cũng đánh giá cao sự hấp dẫn của thị trường, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho rằng dù tình hình thế giới có nhiều thách thức và môi trường đầu tư tại Việt Nam đôi lúc có sự thay đổi nhưng “nhìn chung tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức”
Theo Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng… Việt Nam là thị trường được nhiều doanh nghiệp nước Nhật Bản mong muốn đầu tư.
“AEON đầu tư nhiều ra nước ngoài nhưng Việt Nam lại là thị trường có tốc độ phát triển nhanh và được AEON xác định là thị trường tiềm năng trọng điểm thứ hai được đẩy mạnh đầu tư”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.
Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Furusawa cho biết trong giai đoạn 3-5 năm tới, AEON sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh; trong đó, tập trung phát triển mua sắm quy mô lớn, ưu tiên sự tiện lợi với mô hình kinh doanh đa dạng phù hợp với nhu cầu địa phương và thay đổi trong xu hướng tiêu dùng như cửa hàng tiện lợi, trung tâm bách hoá tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị cỡ nhỏ, siêu thị cỡ vừa…
“Để làm được điều này, chúng tôi mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục liên quan tới đầu tư theo hướng đơn giản hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Tổng Giám đốc AEON bày tỏ.
Còn theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestle Việt Nam, với cam kết mở rộng quy mô dài hạn và phát triển bền vững, tập đoàn đã đầu tư tăng gấp đôi công suất nhà máy chế biến và xuất khẩu cà phê tại Việt Nam. Đồng thời chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững tới 26.000 hộ nông dân - đối tác quan trọng trong cung cấp nguyên liệu cho Nestle.
“Đây là một trong những khoản đầu tư phần mềm mà Nestle đã thực hiện hiệu quả tại Việt Nam bên cạnh đầu tư phần cứng là hạ tầng, nhà máy… Trong thời gian tới, Nestle tiếp tục đầu tư phần mềm theo hướng chuyển đổi số nhằm hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, ông Hưng bày tỏ.
MONG CHỜ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI
Theo nhận định của các doanh nghiệp FDI, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Cùng với đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ghi nhận chất lượng, hiệu quả đang ngày càng gia tăng.
Dù đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh song theo ông Mochizuki Masashi, Giám đốc Trung tâm FDI, Khối Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch, VPBank, môi trường đầu tư của Việt Nam có lẽ chưa đầy đủ về mặt cơ sở hạ tầng, thuế và còn tồn tại nhiều vấn đề cấp bách khác.
Hay như ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho rằng Chính phủ cần tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Cụ thể là Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tăng nhằm cường nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có.
Theo ông Kiên, một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. “Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư,” ông Kiên nói.
Dẫn thông tin từ báo cáo của hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023 trong khi, nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid - 19 tăng cao.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại khi một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2024. “Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Theo đó, để đẩy mạnh thu hút vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn chất lượng cao, theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số.
Cùng với đó là phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính…