Đánh thuế bất động sản thứ hai cần cân nhắc đặc điểm và điều kiện thị trường
Mặc dù là thông lệ phổ biến trên thế giới, nhưng việc đánh thuế bất động sản thứ hai vẫn cần cân nhắc các đặc điểm và điều kiện của thị trường Việt Nam, bởi đây là loại tài sản có tính chất đặc biệt…
Theo đề xuất mới nhất để thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế chính sách đặc thù, TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng, hoặc bất động sản thứ hai trở lên. Điều này đang tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất này
Trong đó, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, cho rằng một nguyên tắc thị trường cơ bản và dễ hiểu, khi bạn mua hai món đồ, bạn phải trả thuế cho hai món đó và chúng trở thành tài sản của bạn. Tuy nhiên, không như chứng khoán hay tiền mặt, bất động sản là tài sản cố định hữu hình đặc biệt, bởi vì đất đai và không gian là tài nguyên hữu hạn. Thị trường bất động sản cần có cơ chế để đảm bảo người sở hữu nhiều bất động sản hơn chia sẻ, đóng góp một cách công bằng cho xã hội. Nói cách khác, điều này tương tự như thuế thu nhập cá nhân trong thị trường lao động, thu nhập càng cao thì mức đóng thuế càng tăng.
Trên thực tế, hình thức đánh thuế với nhà đất thứ hai trở lên không mới ở các thị trường phát triển. Ở Anh, từ bất động sản thứ hai trở lên, dù mua để ở hay cho thuê, lệ phí trước bạ được tính bằng mức tiêu chuẩn cộng thêm khoản phụ phí 3% trên mỗi khung giá. Còn tại Singapore, người mua bất động sản thứ hai không những phải thanh toán tiền mặt nhiều hơn, và bị định giá cho vay thấp hơn, mà còn phải đóng thêm phí trước bạ của người mua thêm. Trong khi đó, người sở hữu từ hai căn hộ trở lên ở Thượng Hải phải trả một khoản thuế thường niên với bất động sản thứ hai từ 0,4% đến 0,6% giá trị tài sản, tính trên diện tích dư ra từ mức 60m2/người.
Tuy là thông lệ phổ biến trên thế giới, nhưng vị Tổng giám đốc nêu quan điểm, việc đánh thuế bất động sản thứ hai vẫn cần cân nhắc các đặc điểm, cùng điều kiện của thị trường Việt Nam. Vì đề xuất trên được kỳ vọng giúp hạn chế hành vi đầu cơ lướt sóng, tạo cơ hội cho người chưa có nhà tiếp cận, song không hẳn giúp giá nhà giảm đi. Vị chuyên gia đánh giá, với đề xuất áp dụng thí điểm tại TP.HCM, cần tính tới cách xác định người sở hữu bất động sản thứ hai trở lên, khi tài sản/hoặc giao dịch thực hiện tại TP.HCM mà người mua – người bán lại không thường trú ở đây.
“Như bất kỳ chính sách mới nào đều nên có những kiến giải rõ ràng, lộ trình phù hợp giúp mọi người hiểu rõ và làm quen. Mặt khác việc đánh thuế bất động sản thứ hai phải đi kèm với nỗ lực khác để cân bằng nguồn cung, ổn định lãi suất, đảm bảo khả năng tiếp cận vốn vay”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Kiệt Võ, Trưởng bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam chia sẻ: “Việc thu thuế bất động sản thứ 2 trở đi là bài toán phức tạp, do đó cần tính toán cụ thể bởi có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư”. Theo chuyên gia, vấn đề này ở Việt Nam hiện vẫn đang là dự thảo lấy ý kiến, để đi đến áp dụng phải có lộ trình cũng như thời gian.
Tương tự, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhìn nhận, việc đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ tác động đến thị trường, qua đó ngăn chặn tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà không sử dụng. Đánh thuế với căn nhà thứ hai buộc nhà đầu tư phải có chiến lược sử dụng tài sản một cách hiệu quả trong thời gian nắm giữ, bởi áp lực tài chính mới. Đối với tâm lý đầu tư của người nước ngoài, đây không phải một quyết định có tác động lớn, vì họ quen với khái niệm thuế bất động sản tại nước họ.
“Tại Việt Nam, theo lộ trình dự luật được thông qua vào năm 2025, như vậy vẫn còn thời gian để chuẩn bị. Đặc biệt về mặt tâm lý, chúng tôi thấy rằng các nhà đầu tư cũng cần làm quen với việc sắp xếp kế hoạch tốt hơn”, bà Dung cho biết.