Dấu ấn của người tiên phong xây mô hình ngân hàng phát triển nhà đầu tiên
Ông Vũ Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT VietnamTinNghia Bank, người có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, đã từng được nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà ước Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngân hàng Việt Nam”.
Với sự ra đời của mô hình ngân hàng đầu tiên về cho vay nhà đất và quy hoạch phát triển đô thị, ông cũng là một trong những tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam… Đó là ông Vũ Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietnamTinNghia Bank, người có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, đã từng được nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà ước Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngân hàng Việt Nam”.
Xin ông cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với ngành ngân hàng?
Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (nay là TP.HCM), là sinh viên khoa Kế - Tài - Ngân của trường Đại học kinh tế TP.HCM. Sau đó, được về tỉnh Hậu Giang làm việc ở vị trí chuyên viên phòng Tín dụng - Thương nghiệp, tham gia tổng hợp số liệu để trình duyệt kế hoạch chi tiền mặt cho các doanh nghiệp lương thực thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh… góp phần giúp cho ngành lương thực tỉnh Hậu Giang hoạt động sôi nổi khi được hỗ trợ vốn kịp thời, đầy đủ. Nhờ đó, Giám đốc ngân hàng Nhà nước TP. Cần Thơ Trần Trung Thành lúc đó đã bổ nhiệm tôi vào vị trí Trưởng phòng Tín dụng - Ngoại thương vào năm 1980.
Khi đó, tôi là người phụ trách tín dụng toàn bộ mảng xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.Cần Thơ, trực tiếp ký duyệt “bơm vốn” cho các công ty đầu ngành tại địa phương để thu mua rau quả, lương thực, nông sản, hải sản… phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu, cũng như nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất kinh doanh.
Hoạt động ngân hàng giai đoạn này đã đem lại cho ông những trải nghiệm gì?
Tại thời điểm những năm 80, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản: trứng vịt muối, thủy sản, gạo, trái cây, rau củ quả… nhằm thu về ngoại tệ. Tuy nhiên, đã có những lô hàng xuất khẩu bị trả về, làm đau đầu dân tín dụng, vì vốn đã cho vay ra, hàng lại bị quay về, đồng nghĩa với việc khó lấy lại vốn, nợ xấu gia tăng gây rủi ro cho ngân hàng.
Không thể để vụ việc lặp lại làm mất uy tín của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế, như trường hợp những lô hàng trứng vịt muối bị trả về do nhân trứng là những quả cóc bọc muối tinh vi (quả cóc có cùng trọng lượng quả trứng vịt), được trà trộn vào với những quả trứng vịt thật. Ngân hàng quyết định “cắt vốn” đối với những doanh nghiệp làm ăn gian dối, kiểm soát hàng lỏng lẻo.
Vụ “cắt vốn” cũng diễn ra đối với mặt hàng tôm xuất khẩu bị trả về vì không đảm bảo tiêu chuẩn do tôm bị đóng đinh vào đầu nhằm tăng trọng lượng… Từ những quyết định táo bạo này, bên cạnh sự tín nhiệm của ngân hàng là những chỉ trích của nhiều người. Nhưng cái được lớn nhất là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đảm bảo uy tín quốc gia, cũng như dòng vốn ngân hàng luôn đảm bảo “chảy” theo quy luật “tiền - hàng - tiền”…
Như vậy, những kinh nghiệm trong nghề đã giúp ông tiếp tục tham gia mô hình ngân hàng phát triển nhà đầu tiên?
Bắt đầu từ năm 1987, ngân hàng Việt Nam hoạt động theo mô hình hai cấp với sự ra đời của ngân hàng TMCP đầu tiên là Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).
Đến năm 1988, UBND TP.HCM mong muốn có một ngân hàng chuyên cho vay về nhà đất nhằm chỉnh trang phát triển đô thị và quản lý tiền hóa giá nhà đất của địa phương. UBND thành phố đã giao cho 3 đơn vị: Sở Nhà đất TP.HCM (nay là Sở Xây dựng TP.HCM), Sở Tài chính và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh TP.HCM cùng lập đề án khai sinh ngân hàng mới.
Như có duyên tiền định, tôi đã tham gia đề án thành lập ngân hàng về phát triển nhà đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1989, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) ra đời và đi vào hoạt động dưới sự điều hành của ban lãnh đạo đầy nhiệt huyết.
Tại HDBank, sau này ở vị trí Tổng giám đốc, ban lãnh đạo đã dồn nguồn lực cho hàng loạt dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn TP.HCM thời kỳ đầu, như: khu nhà ở Bàu Cát 1 và 2 (quận Tân Bình), khu nhà ở tại đường 3/2, khu chợ Hoàng Hoa Thám, Khu nhà ở đường Sư Vạn Hạnh nối dài, khu nhà ở doanh trại quân đội, khu dân cư Rạch Miếu Nổi, khu dân cư Phường 25 quận Bình Thạnh, khu dân cư An Khánh An Phú… Các dự án bất động sản lúc này muốn được vay vốn ngân hàng thì phải được UBND phê duyệt và được quy hoạch là nhà ở, có vốn đối ứng 30%, có quỹ đất sạch… Dù yêu cầu về hồ sơ vay vốn rất chặt chẽ, những năm này lợi nhuận của HDBank tăng nhanh với nguồn vốn rót vào nhà đất tăng mạnh mẽ khi chiếm 70% tổng dư nợ. Thị trường bất động sản lúc bấy giờ rất thuận lợi, các dự án nhà ở tung hàng đến đâu bán hết đến đó, “tiền trao tay, nhà trao sổ” vì sản phẩm quá thiếu so với nhu cầu.
Sự thành công về mô hình ngân hàng chuyên doanh cho vay nhà đất của HDBank đã khiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý tưởng về một ngân hàng tương tự để phát triển đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ ý tưởng trở thành hiện thực khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập một ban trù bị gồm những “cây đại thụ” ngân hàng: Lữ Minh Châu (nguyên Thống đốc NHNN), Tô Công Hầu (nguyên Giám đốc NHNN tỉnh Minh Hải - sau này là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), Phạm Học Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư quốc tế - khối Liên Xô cũ), Lê Thị Ngọt (nguyên Phó Thống đốc NHNN) cùng các nhân sự là Nguyễn Thị Kim Ngân (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính), Lâm Thanh Tòng (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và Nguyễn Thanh Châu (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng ngân hàng) – người chấp bút cho đề án thành lập Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)…
Một lần nữa được sự tín nhiệm của các nhà lão thành ngân hàng, ông Lữ Minh Châu đề nghị vị trí Phó tổng giám đốc thứ nhất khi tôi vừa trình bày xong đề cương hoạt động MHB. Đây là sự động viên rất lớn đối với những năng lực trẻ từ sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo. Đó cũng là may mắn khi có được sự yêu thương của những người đi trước, được giao trọng trách tại nhiều mô hình ngân hàng mới mẻ so với thị trường Việt Nam lúc bấy giờ.
Với sứ mệnh tập trung cho vay nhà đất, MHB đã nghiên cứu cho ra đời các gói vay đặc thù, ưu đãi lãi suất rẻ, như: cho vay tôn nền nhà ở, cho vay xây cầu đường nông thôn… đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Được bầu vào thành viên HĐQT của SCB hợp nhất với số phiếu cao nhất, nhưng ông vẫn dừng hoạt động ngân hàng tại đây. Lý do nào vậy thưa ông?
Trước khi về SCB hợp nhất, tôi tham gia điều hành Việt Nam Tín Nghĩa ngân hàng (TinNghiaBank - tiền thân của Pacific Bank) ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Gắn bó với ngân hàng càng sâu, điều hành hoạt động kinh doanh qua nhiều ngân hàng vào thời điểm “vàng hóa”, “đô la hóa” nặng trong nền kinh tế, ban lãnh đạo ngân hàng kiên quyết không thực hiện việc huy động vàng lãi suất thấp và hoán đổi cho vay VND lãi suất cao. Điều này đã góp phần đưa TinNghiaBank hoạt động an toàn, hiệu quả, vượt qua hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu từ sau những năm 2007-2008. Đặc biệt là giai đoạn 2010-2012, thị trường tiền tệ Việt Nam có nhiều biến động khó lường.
Dù hoạt động khá hiệu quả, nhưng theo đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng, TinNgiaBank cùng với ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực hiện hợp nhất vào đầu năm 2012. Là thành viên được bầu vào HĐQT ngân hàng mới với số phiếu cao nhất, nhưng tôi quyết định rút lui khi nhận ra rằng, quá trình đóng góp cho ngành ngân hàng đã đến lúc cần chuyển giao cho thế hệ mới quản lý và điều hành. SCB hợp nhất đến thời điểm này đã trở thành ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất khối cổ phần.
Ngành ngân hàng luôn là công việc hấp dẫn, nó không chỉ là “huyết mạch của nền kinh tế” mà còn là hai mặt của cuộc sống, là sự thử thách bản lĩnh khi hai mặt đồng tiền là thiện - ác tùy thuộc vào người sử dụng nó.
Ông Vũ Văn Thành là một trong ba vị chủ tịch đóng vai trò chủ chốt tiến hành hợp nhất thành công ba ngân hàng TMCP: Sài Gòn - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa thành Ngân hàng Sài Gòn hợp nhất (SCB hợp nhất), để phát huy thế mạnh của nhau, đồng thời tiết giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Với sự cống hiến cho ngành, ông được nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngân hàng Việt Nam”. Sau sự thành công của Ngân hàng TMCP phát triển Nhà TP.HCM (HDBank – sau này đổi là ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM), lần lượt các ngân hàng về phát triển nhà ra đời: MHB (Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long) và Habubank (Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội). Sau này, MHB sáp nhập vào BIDV và Habubank sáp nhập vào SHB trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.