Đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội tăng trưởng hơn 10% trong năm 2023
Quy mô các quỹ bảo hiểm xã hội tăng qua từng năm. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng đầu tư các quỹ tăng 10,43% so với năm 2022. Nhờ đó, đảm bảo nguồn tiền để thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đến người hưởng, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay công tác quản lý tài chính, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn có chức năng quản lý, đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội, nhằm bảo đảm nguồn quỹ tăng trưởng, an toàn và phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, bền vững, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, và các cấp, các ngành.
Quy mô các quỹ tăng qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng đầu tư các quỹ năm 2023 tăng 10,43% so với năm 2022.
Cũng trong năm 2023, tổng thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 912.000 tỷ đồng, liên quan đến hầu hết người dân, tổ chức và doanh nghiệp, trong đó, tổng số thu các quỹ là hơn 472.000 tỷ đồng, tổng số chi các quỹ là hơn 439.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, đã đảm bảo nguồn tiền để thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi người tham gia, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia.
Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nanm, với cơ cấu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm trên 80% tổng dư nợ đầu tư, các quỹ bảo hiểm đã góp phần đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước. Thông qua đó, giúp thực hiện chính sách tài chính vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia, cơ cấu lại nợ công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Từ hiệu quả đã đạt được, năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và đầu tư, bảo đảm các quỹ bảo hiểm xã hội tăng trưởng an toàn, phát triển bền vững trong dài hạn.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng nêu nhiệm vụ cần tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính, hiệu quả đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.
Trong đó, ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua uỷ thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và đổi mới mô hình tăng trưởng, quá trình già hóa dân số, nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng năm, sẽ đòi hỏi quỹ bảo hiểm xã hội phải được đảm bảo an toàn, bền vững.
Đặc biệt, có thể thu hồi khi cần thiết, hiệu quả trong dài hạn, đáp ứng trách nhiệm chi trả chế độ trong hiện tại và tương lai.
Vì vậy, để đa dạng hóa danh mục đầu tư theo chủ trương tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
Hiện các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội gồm: Người sử dụng lao động đóng theo quy định; người lao động đóng theo quy định; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; hỗ trợ của nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác.