Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Đầu tư hạ tầng giao thông trong bối cảnh môi trường đang đối diện với nguy cơ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng,… đang là một thách thức lớn, đặc biệt đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi được nhận định chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên nhiên trên...
Phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã được xác định tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ. Đây là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn, thịnh vượng.
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, chịu ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng.
Vùng đồng bằng châu thổ này có địa hình đất thấp và bằng phẳng, cao độ trung bình phổ biến từ 1- 2m so với mực nước biển, được bồi tụ bởi phù sa sông Mekong. Vùng có diện tích 3.973.400 ha (39.734 km2), trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản; là nơi cư trú và sản xuất của hơn 18 triệu dân và là vựa lúa lớn nhất cả nước, cung cấp 55% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.
Đây là một trong ba vùng châu thổ được xếp và nhóm cực kỳ nguy cấp do biến đổi khí hậu, gồm: vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam), vùng sông Ganges- Brahmaputra (Bangladesh) và vùng sông Nile (Ai Cập).
Do địa thế nằm ở vùng cuối hạ lưu, toàn bộ dòng chảy lũ từ thượng nguồn tràn về vùng đồng bằng sông Cửu Long qua hai chi lưu sông Tiền, sông Hậu và phần tràn bờ chảy trên đất liền vượt biên giới Campuchia- Việt Nam làm ngập nhiều vùng đất trũng, chủ yếu là vùng tứ giác Long Xuyên- Hà Tiên, vùng Đồng Tháp Mười và vùng trũng giữa hai nhánh sông Tiền- sông Hậu. Mùa lũ (mùa nước nổi) hằng năm bắt đầu từ tháng 7, gia tăng dần từ tháng 8 và 9, cao điểm vào tháng 10, rồi giảm dần vào tháng 11 và 12.
Bình quân vào mùa mưa, lưu lượng lũ cao nhất là l39.000 m3/s, gây ngập từ 1,2 đến 1,9 triệu ha.
Theo một số nghiên cứu, dưới tác động của biến đổi khí hậu, ước tính hàng trăm ngàn ha đất ở đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao.
Cùng với đó sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng...
Ngoài ra, khi mực nước biển dâng còn làm hệ thống đê biển hiện tại có nguy cơ tràn và vỡ ngay cả khi không có các trận bão lớn. Ngoài ra, do mực nước biển dâng cao làm chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi sẽ gây xói lở bờ.
Đối với hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao, mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng thêm, uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê sông, đê bao ở các tỉnh ven biển trong vùng.
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Biến đổi khí hậu cũng đang là thách thức không nhỏ đối với hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Việc cập nhật, tích hợp các yếu tố cùng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, trong đó có đầu tư hạ tầng giao thông là yêu cầu mang tính bắt buộc để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày 16/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết hiện trong khu vực đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.
Trong số đó có 8/9 dự án đang tổ chức thi công; dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh do Bộ làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025. Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km; và 2 dự án cầu, đường bộ.
Có thể khẳng định chưa bao giờ hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từ là “vùng trũng” cao tốc, đến nay trong vùng đã có 120 km cao tốc được đưa vào khai thác là tuyến cao tốc TP.HCM- Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2025, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 548 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, và đến năm 2030 là 763 km.
Tuy nhiên, theo Cục quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư hạ tầng giao thông trong bối cảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chụ ảnh hưởng và ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cần bảo đảm tính bền vững và hiệu quả quá trình khai thác của dự án, công tác thiết kế, các yếu tố về tần suất lũ, kịch bản biến đổi khí hậu,… được tính toán kỹ để thiết kế cao độ phù hợp.
Thực tế ghi nhận, trong mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực như các tuyến quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.
Nhằm giải quyết tình trạng này, một số chuyên gia đề nghị cần tính đến việc xây dựng các cầu cạn (cầu vượt trên bộ) như là một giải pháp khả dĩ. Mặc dù bảo đảm các yếu tố như chống ngập lâu dài, mực nước biển dâng nhưng giải pháp này có chi phí, giá thành cao.
Tuy vậy, giải pháp cầu cạn rất cần phải tính đến bởi về mặt kỹ thuật sẽ tránh được tình trạng sụt lún nền đường, phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông như vẫn thường thấy ở một số đoạn/tuyến quốc lộ hay cao tốc. Ví dụ như: đoạn trên cao không bị tình trạn sụt lún, trong khi đoạn trên mặt đất thường bị sụt lún, nứt nẻ mà nguyên nhân chính là nền đất vùng đồng bằng sông Cửu Long mềm, đất nhão, nhiều kênh rạch ngang dọc cùng dòng chảy và phù sa làm ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về biến đổi khí hậu, vấn đề triều cường, mực nước biển dâng cũng là một yếu tố quan trọng phục vụ công tác xây dựng, cập nhật các yếu tố cùng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, bao gồm việc đầu tư hạ tầng giao thông hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh.