Đầu tư hơn 1.400 tỷ nâng cấp luồng Cái Mép – Thị Vải
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số O vào khu bến cảng container Cái Mép, vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duỵet với tổng mức đầu tư 1.414 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...
Dự án sẽ đầu tư đoạn luồng từ phao số 0 đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (cảng CMIT) cho tàu 160.000 DWT đủ tải, cho phép tránh nhau với tàu đến 50.000 DWT); tàu 120.000 DWT khai thác hai chiều; tàu 200.000 DWT/18.000 TEUs giảm tải hoặc lớn hơn, - đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải, khai thác một chiều.
Theo kế hoạch, luồng Cái Mép - Thị Vải sẽ được mở rộng 310 - 350 m, sâu từ (-14)m đến (-15,5)m nhằm nâng cao hiệu suất khai thác của cụm cảng và đón tàu lớn. Cụ thể, đoạn luồng từ phao số 0 đến cảng CMIT có chiều dài nâng cấp 30,5 km, bề rộng đáy luồng 350 m và cao độ đáy (-15,5)m; đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân Cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) có chiều dài nâng cấp 3,2 km, bề rộng đáy luồng 250 - 310 m, cao độ đáy luồng (-14)m.
Đại diện Ban quản lý Dự án hàng hải cho biết hiện tại đơn vị đang tiến hành rà soát hồ sơ mời thầu để triển khai công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang đợi làm thủ tục cấp giấy phép khu vực biển và nhận chìm.
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành các thủ tục và thi công vào cuối năm nay, trễ nhất là đầu năm 2023. Trong đó, vốn giải ngân năm 2022 khoảng 274 tỷ đồng (số làm tròn), năm 2023 494 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 395 tỷ đồng, năm 2025 khoảng 79 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 171 tỷ đồng.
Cùng với việc nâng cấp, mở rộng, nạo vét luồng tàu, dự án cũng tiến hành điều chỉnh, thiết lập các vùng nước, thiết lập tuyến chạy tàu bên phải tuyến nước sâu có bề rộng 100 m cho tàu trọng tải đến 10.000 DWT hành trình một chiều vào cảng; tuyến chạy tàu bên trái tuyến nước sâu, rộng 200 m cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT hành trình một chiều rời cảng.
Sau khi hoàn thành vào năm 2025, Dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy đầu tư các dự án trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực, bảo đảm an toàn cho các tàu hành thủy, tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước.
Khu bến Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính chất “cửa ngõ” và phục vụ trung chuyển cho cả khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, của khu cảng đã nói lên điều đó.
Các số liệu thống kê cho thấy, hàng hóa thông qua cảng biển Vũng Tàu bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và trên 80% đối với hàng container và chiếm 30% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container cả nước. Với chiều dài hơn 20 km, khu cảng Cái Mép - Thị Vải có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và là một trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu đến 200.000 tấn.
Nếu như khu cảng này vào năm 2012 chỉ vài chục nghìn container hàng xuất nhập khẩu thì đầu năm 2020 đã tăng gấp 10 lần. Thực tế ghi nhận hàng hóa các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có sự dịch chuyển lớn từ các cảng ở TP.HCM về khu cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tính đến hết năm 2020, khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải có 7 cảng container đã đi vào hoạt động, công suất thiết kế 6,8 triệu TEUs/năm và là cảng đầu tiên ở Việt Nam đón tàu hơn 214.000 tấn. Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, khu cảng Cái Mép – Thị Vải được xếp hạng đặc biệt, được tập trung phát triển để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.