Quy hoạch cảng biển Trần Đề thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long
Tại điểm 2 mục c điều 1 chương VI của Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải (CBM), đơn vị tư vấn dự án, cho biết cảng biển Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km.
QUY HOẠCH TIỀM NĂNG CẢNG BIỂN ĐẶC BIỆT
Ngoài cảng còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…
Cảng biển Trần Đề được quy hoạch tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cảng được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch hệ thống cảng biển tại Quyết định 1579/QĐ-TTg, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 gồm 36 cảng biển với 5 nhóm, cảng biển Sóc Trăng thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm các cảng biển khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Theo phân loại thì cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III (có 4 loại: đặc biệt, loại I, II và III) đồng thời được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, cùng với các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Hai cảng biển đặc biệt hiện tại là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, 80% hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vận chuyển bằng đường bộ qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương (hiện nay đã kết nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thành liên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, và sắp tới là kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ).
Cũng chừng ấy tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu của đồng bằng sông Cửu Long phải dồn hết lên cụm cảng TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu bằng đường bộ; trong đó, hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Chi phí hàng hóa, vì vậy tăng cao từ 170 - 180 USD/container hoặc từ 7 - 10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho.
Thời gian vận chuyển kéo dài không chỉ tăng chi phí vận chuyển, lưu kho, làm lạnh mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu gây ra những bất lợi đối với hàng nông sản và giảm lợi thế canh tranh của nông sản hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long.
SÓC TRĂNG ĐANG KHẨN TRƯƠNG VÀO CUỘC
Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa, sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, mục tiêu của dự án xây dựng cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển. Tổng diện tích khu vực dự án dự kiến là 4.550 ha, bao gồm đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ...
Cũng theo quy hoạch, cảng biển Trần Đề có tổng diện tích 4.960 ha. Bao gồm diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 960 ha (giai đoạn 1 là 580 ha), diện tích khu dịch vụ, hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ là 4.000 ha (giai đoạn 1 khoảng 1.000 ha). Một cầu cảng nối cảng trung chuyển đến bến cảng ngoài khơi dài khoảng 16 – 18 km, 15 cầu cảng, đê chắn sóng dài 8,3 km. Công suất thiết kế từ 80 - 100 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm.
Cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…
Đơn vị tư vấn, lập báo cáo quy hoạch cho biết, cảng biển Trần Đề đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng đổng bằng sông Cửu Long; thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thu hút hàng trung chuyển sang Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu, một trong hai nhánh chính (cùng với nhánh sông Tiền) của sông Mekong chảy vào Việt Nam.
Về kết nối đường bộ, cảng Trần Đề kết nối với các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 91, quốc lộ 91C, quốc lộ 60 cùng các tuyến dự án giao thông chuẩn bị đầu tư như: Cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng – Cần Thơ, cầu đường bộ Đại Ngãi, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…
Hiện nay, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng trong đó có cảng Trần Đề đã hoàn tất báo cáo cuối kỳ. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết cảng biển nước sâu Trần Đề để báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét quy hoạch này và trình Chính phủ phê duyệt.
Sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Ước tính ban đầu, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề đến năm 2030 khoảng 55.700 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2030 khoảng 146.300 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Trước đó, Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ) đã đề xuất với chính quyền tỉnh Sóc Trăng cho phép được nghiên cứu, đầu tư dự án điện khí 9.600 MW với vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Cùng với dự án này, dự án cảng nước sâu Trần Đề cũng đã được nhắc đến nhằm vận chuyển khí LNG.
Việc đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu tại Trần Đề có tác động tích cực và hấp dẫn các tỉnh, thành vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Cụ thể, dự án sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10 - 11,2 triệu tấn/năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEUs/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực.