Đầu tư mạo hiểm: Thời của các startup về blockchain, fintech

An Huy
Chia sẻ

Lượng vốn rót vào các công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ chuỗi khối (blockchain) và công nghệ tài chính (fintech) cùng lập kỷ lục trong quý 2/2021...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Lượng vốn rót vào các công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong một quý lần đầu tiên vượt qua mức 4 tỷ USD trong quý 2 vừa qua, bất chấp giá tiền ảo giảm mạnh. Vốn rót vào các startup công nghệ tài chính (fintech) nói chung cũng nhiều chưa từng thấy.

Hãng tin CNBC dẫn dữ liệu từ công ty phân tích CB Insights cho biết các công ty blockchain, một  lĩnh vực còn non trẻ, đã thu được số vốn kỷ lục 4,38 tỷ USD, tăng hơn 50% so với quý trước đó và tăng gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

CÁC NHÀ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM KHÔNG NGẠI TIỀN ẢO SỤT GIÁ

Chuỗi khối là công nghệ hậu thuẫn hầu hết các loại tiền ảo. Về bản chất, đây là một dạng sổ cái kỹ thuật số của các giao dịch tiền ảo phân tán trong khắp một mạng lưới máy tính toàn cầu.

Cuộc rót vốn lớn nhất vào một công ty blockchain trong quý 2 là 440 triệu USD rót vào Circle, một công ty thanh toán và tiền kỹ thuật số. Mới đây, Circle đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thông qua sáp nhập với một công ty séc trắng (SPAC). Vụ chào sàn này dự kiến này định giá Circle ở mức 4,5 tỷ USD.

Ledger, công ty phát triển ví phần cứng dùng cho việc cất giữ tiền kỹ thuật số, có được vụ rót vốn lớn thứ nhì trong lĩnh vực blockchain trong quý 2. Một vòng gọi vốn trong quý của công ty này huy động được 380 triệu USD. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 12 năm ngoái, Giám đốc điều hành (CEO) Pascal Gauthier của Ledger nói với CNBC rằng thị trường tiền ảo đang trưởng thành, với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tổ chức.

“Vào năm 2018, trong vòng gọi vốn gần đây nhất của chúng tôi, các định chế tài chính không tham gia”, ông nói. Còn bây giờ “mỗi định chế tài chính lớn trên thế giới đều đã có kế hoạch hoặc đang lên kế hoạch” đầu tư vào tiền ảo.

Lượng vốn kỷ lục rót vào các startup tiền ảo cho thấy các nhà đầu tư đang tìm phương pháp thay thế để tham gia vào ngành công nghiệp tiền ảo. Thay vì trực tiếp mua những tiền ảo như Bitcoin hay Ether, họ mua cổ phần trong các startup tư nhân phát triển công nghệ cho tiền ảo và mạng lưới phân tán hậu thuẫn tiền ảo.

Các nhà đầu tư mạo hiểm này dường như không hề sợ hãi trước sự giảm giá của tiền ảo. Trong tháng 6, giá Bitcoin có lúc giảm một nửa so với mốc kỷ lục gần 65.000 USD thiết lập vào tháng 4. Đồng tiền ảo lớn thứ nhì thế giới là Ether cũng giảm hơn 50% so mức mức kỷ lục trên 4.000 USD thiết lập vào tháng 5.

“Với đà này, lượng vốn đầu tư rót vào các startup về blockchain trong năm nay sẽ phá vỡ kỷ lục cả năm thiết lập vào năm 2018, sẽ cao gấp hơn 3 lần số vốn huy động được trong cả năm đó”, nhà phân tích cấp cao Chris Bendtsen của CB Insights phát biểu.

“Năm hút vốn kỷ lục này của blockchain đang được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng và nhà đầu tư tổ chức đối với tiền ảo”, ông Bendtsen nói thêm. “Mặc những biến động ngắn hạn của giá tiền ảo, các công ty đầu tư mạo hiểm vẫn đang lạc quan vào tương lai của tiền ảo như một tài sản dòng chính và tiềm năng của blockchain trong việc đưa thị trường tài chính trở nên hiệu quả, dễ tiếp cận và an toàn hơn”.

Lượng vốn rót vào các startup blockchain qua các quý. Đơn vị: Tỷ USD.
Lượng vốn rót vào các startup blockchain qua các quý. Đơn vị: Tỷ USD.

Tháng trước, Andreessen Horowitz mở một quỹ đầu tư 2,2 tỷ USD chuyên về tiền ảo. “Chúng tôi tin rằng làn sóng sáng tạo điện toán tiếp theo sẽ là trong lĩnh vực tiền ảo”, công ty đầu tư mạo hiểm ở Sillicon Valley này viết trong một bài blog.

CÓ HAY KHÔNG BONG BÓNG FINTECH?

Không chỉ các công ty blockchain, vốn đầu tư rót vào các công ty fintech cũng lập kỷ lục mới trong quý 2. Theo dữ liệu từ CB Insights, các startup fintech huy động được 30,8 tỷ USD trong quý 2, tăng 30% so với quý 1 và tăng gấp khoảng 3 lần so với quý 2/2020.

Trong đó, ngành fintech châu Âu chiếm một tỷ trọng lớn, với 50% trong số vụ đầu tư lớn nhất của quý 2 là vốn rót vào các công ty ở khu vực này. Xu hướng này được đẩy mạnh bởi mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của châu Âu.

Ứng dụng giao dịch cổ phiếu Trade Republic của Đức có cuộc huy động vốn lớn nhất ở châu Âu trong quý 2, thu về 900 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm Sequoia Capital và Founders Fund. Mollie - một công ty về thanh toán trực tuyến của Hà Lan, đối thủ của những cái tên như Squre, Stripe và Adyen - huy động được 800 triệu USD.

Mức định giá của các startup fintech cũng tăng mạnh, trong đó công ty mua trước trả sau Klarna của Thuỵ Điện được định giá khoảng 46 tỷ USD trong một vòng gọi vốn hồi tháng 6.

Điều này dẫn tới nỗi lo bong bóng fintech. Theo CB Insights, quy mô bình quân của mỗi vụ rót vốn trong lĩnh vực fintech trong quý 2 tăng 28%.

Bà Iana Dimitrova, CEO của startup fintech Anh OpenPayd nói với CNBC rằng xu hướng tăng của các vòng gọi vốn tư nhân là “không có lợi cho sự bền vững dài hạn của ngành”.

CEO Stefano Vaccino của một startup fintech Anh khác là Yapily đưa ra một quan điểm khác: “Tôi không cho rằng đây là một bong bóng. Chúng ta đã chứng kiến sự tăng tốc trong dịch vụ tài chính trong 12-18 tháng qua”.

Tuần trước, Yapily huy động được 51 triệu USD. Công ty này chuyên về phát triển công nghệ ngân hàng mở (open banking), một xu hướng mới hiện nay.

Trong xu hướng này, Visa mới đây mua lại startup ngân hàng mở Tink của Thuỵ Điển với giá 2,1 tỷ USD, sau khi không mua được Plaid – một công ty tương tự của Mỹ - do rào càn pháp lý. Plaid sau đó huy động 425 triệu USD trong một vòng gọi vốn hồi tháng 4, định giá công ty ở mức 13,4 tỷ USD. Một startup ngân hàng mở của Anh là TrueLayer cũng mới huy động được 70 triệu USD.

Bên cạnh những startup fintech gọi vốn tư nhân, ngày càng có nhiều startup trong lĩnh vực này huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Trong quý 2, có 19 công ty fintech lên sàn chứng khoán hoặc công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Công ty chuyển tiền Wise của Anh lên sàn ở London trong một vụ phát hành định giá công ty 11 tỷ USD vào đầu tháng 7 này. Nhiều công ty khác như Better.com, Dave và Acorns đều đã công bố kế hoạch IPO hoặc niêm yết thông qua sáp nhập với một SPAC.

Trong lĩnh vực tiền ảo, sàn giao dịch tiền ảo Coinbase đã lên sàn chứng khoán Nasdaq trong vụ IPO “bom tấn” hồi tháng 4.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con