Đầu tư vào khách sạn tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ vượt mốc 10 tỷ USD
Bất chấp những khó khăn về kinh tế vĩ mô và địa chính trị, JLL ước tính tổng khối lượng đầu tư đạt 6,8 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm nay, và dự kiến đạt 10,7 tỷ USD giá trị giao dịch cho cả năm 2022…
Trong 6 tháng đầu năm 2022 tại Châu Á Thái Bình Dương, các khoản đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 12% so với năm 2019. Điều này cho thấy nguồn vốn được triển khai vào lĩnh vực khách sạn bắt đầu phát triển trên mức trước đại dịch .
Theo dữ liệu và phân tích của JLL, trong nửa đầu năm 2022, có tổng cộng 75 giao dịch, giảm 20,2% theo năm và 33% so với nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, tổng số phòng được giao dịch trong sáu tháng đầu năm 2022 là 19.822 phòng, tăng gần 30% so với nửa đầu năm 2021 và 9,4% trong giai đoạn trước đại dịch năm 2019.
Theo JLL Hotels & Hospitality Group, khả năng phục hồi của lĩnh vực khách sạn ở Châu Á Thái Bình Dương và việc mở lại biên giới đã tăng nhanh hơn trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu giải trí và doanh nghiệp bị dồn nén do đại dịch gây ra cho thấy nhu cầu du lịch sẽ sớm ngang bằng với mức trước Covid.
Những quốc gia nhận được nhiều vốn nhất trong nửa đầu năm 2022 là Nhật Bản (1,8 tỷ USD), Hàn Quốc (1,7 tỷ USD) và Trung Quốc Đại lục bao gồm Hồng Kông (1,6 tỷ USD), Singapore (899,7 triệu USD), Maldives (205,5 triệu USD) và Indonesia (159,6 triệu USD) tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.
Hoạt động đầu tư khách sạn ở Úc (145,5 triệu USD) và Thái Lan (37,7 triệu USD) giảm nhưng có thể sẽ được củng cố trong nửa cuối năm nay do nhiều giao dịch thương mại sẽ hoàn thành.
Cụ thể, tại Úc: có khoảng 700 triệu USD các giao dịch đã được tiến hành. Các nhà đầu tư cũng vẫn mong muốn triển khai vốn vào các tài sản khách sạn ở Úc và New Zealand với chiến lược “dịch chuyển đầu tư theo chất lượng” hoặc vào các bất động sản tầm trung, nơi quản lý tài sản một cách chủ động hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể.
Tại Trung Quốc: JLL kỳ vọng tác động tổng hợp của các chính sách “Ba lằn ranh đỏ” và “Không Covid” của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc giảm giá tài sản khách sạn hơn nữa, và dự báo giá trị giao dịch khách sạn của Trung Quốc đạt tổng cộng khoảng 2 tỷ USD vào năm 2022.
Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư vẫn kiên định mua tài sản khách sạn dựa vào kỳ vọng nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế tăng mạnh do sự mất giá gần đây của đồng Yên Nhật. Trong bối cảnh tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu, môi trường tài trợ bằng nợ của Nhật Bản vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư và do đó, JLL hy vọng giá trị giao dịch của quốc gia này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm.
Tại Singapore: Là một trong những quốc gia đầu tiên dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đi lại ở châu Á, Singapore phục hồi nhanh nhất với giá trị giao dịch hàng năm gần 900 triệu USD, vượt qua mức trước đại dịch. Các giao dịch diễn ra sôi động nhất trong thị trường tầm trung, nơi các nhà đầu tư xác định cơ hội chuyển đổi bất động sản thành sản phẩm theo mô hình co-living để tăng hiệu quả đầu tư.
Tại Thái Lan thì có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân và văn phòng quản lý tài sản gia đình hiện đang hoạt động. JLL đang nhận thấy sự quan tâm của người nước ngoài ngày càng tăng với việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại, dự báo giá trị giao dịch sẽ đạt gần 300 triệu USD cho cả năm 2022.
Tại Maldives: Hoạt động kinh doanh của các khách sạn phần lớn tốt hơn so với năm 2019, dù khách Châu Á vắng mặt đáng kể phần lớn thời gian trong năm. Dù vậy, khách sạn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ Châu Á, Trung Đông và Châu Âu.
“Bất chấp những rào cản vĩ mô và địa chính trị sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vốn, tổng giá trị đầu tư vào khách sạn khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2022 sẽ vượt mốc 10 tỷ USD”, JLL Hotels & Hospitality Group cho biết.