Để gỡ “thẻ vàng” IUU: Quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm
Từ khi triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm gỡ “thẻ vàng” IUU (Chống đánh bắt bất hợp pháp) từ Ủy ban châu Âu (EC), đến nay chỉ còn hơn 1 tháng nữa phái đoàn của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần tiếp theo. Hiện nay vấn đề nan giải nhất là phát hiện và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ta đánh bắt trên biển…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu nhiều loại hải sản trong quý 1/2023 sụt giảm mạnh, chỉ đạt 738 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ giảm 31%; xuất khẩu mực và bạch tuộc giảm 8%; xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.
"SỐ HÓA" QUY TRÌNH CẤP PHÉP, XÁC NHẬN TRUY XUẤT
Trong khi tại khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu hải sản tăng cao, thì xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác sang thị trường EU và Hoa Kỳ lại giảm rất mạnh.
Sự sụt giảm này là do lạm phát vẫn đang khiến cho nhu cầu tiêu thụ hải sản giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu tới hoạt động sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm. Cùng với đó, tác động từ “thẻ vàng” IUU mà EU cảnh báo càng làm trầm trọng thêm sự suy giảm xuất khẩu hải sản.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam diễn ra mới đây, bà Cao Thị Kim Lan, Ủy viên Ban chấp hành VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho biết quy định chống khai thác bất hợp pháp IUU không còn là yêu cầu riêng của EU mà đã trở thành yêu cầu của cả các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản...
“Tại các địa phương ven biển, kỹ thuật, công nghệ và năng lực xử lý các quy trình thực thi, các thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều hạn chế và bất cập. Do đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn, ách tắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác phải có xác nhận, chứng nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác”, bà Lan nêu thực tế.
"Nếu Việt Nam bị cảnh báo thẻ đỏ thì không chỉ mất thị trường EU với giá trị xuất khẩu hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm mà còn tổn thất hơn nữa về thương mại thủy sản cũng như uy tín ngành thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác", bà Cao Thị Kim Lan, Ủy viên Ban chấp hành VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định phân tích đồng thời nêu kiến nghị để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp chế biến hải sản, cần cải tiến nhanh cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác làm sao để hệ thống cơ sở dữ liệu của 28 tỉnh thành ven biển phải liên thông, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn. Cùng với đó, quy trình xác nhận, chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 10/4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đây chính là giải pháp thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
“Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và bảo đảm các quy định pháp luật đủ rõ, đủ chi tiết, Chính phủ sẽ bổ sung Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Nghị định số 135/2021/CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Các đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng chung nhận định rằng quy định mới được trình lên là phù hợp. Quy định tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động thủy sản này, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của EC về chống hành vi khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho rằng tờ trình của Chính phủ mới chỉ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng vi phạm và khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm liên quan đến các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản (đặc biệt là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU)) song, hầu như không đề cập đến khó khăn trong xử lý vi phạm đối với hoạt động chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam