Đề nghị truy trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm thanh toán chi phí phòng, chống dịch
Băn khoăn về việc thanh toán chậm cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong việc triển khai chậm…
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 7/1, Quốc hội đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Thảo luận ở hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khẳng định, Nghị quyết đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, liên quan đến việc thanh toán cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn tại sao việc thanh toán lại chậm? Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân lại triển khai chậm. Đối với vấn đề vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu cho rằng, thời gian qua, chúng ta đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân.
Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí nhưng về đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ. Vì vậy, theo đại biểu, để có thể sản xuất vaccine thì chúng ta phải hội đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vaccine có thời gian thành lập và phát triển từ 15 đến 40 năm và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vaccine một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước trong những đợt dịch khác.
Cũng đề cập đến việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 cùng những quyết sách quan trọng triển khai Nghị quyết này đã được cử tri và nhân dân đánh giá cao, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập, đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vaccine và các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn. Tuy nhiên đến nay, việc chi hỗ trợ chưa thực hiện được, hoặc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ.
Ngoài ra, về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu cho rằng cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành. Đồng thời, ban hành các văn bản khác để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh.
Đồng thuận với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra, song theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, trong tình hình hiện nay dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh. Vì vậy, đại biểu đề nghị cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng, chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch.
Trong đó, việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid–19, đại biểu đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn. Mặt khác, việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch.
Vì vậy, đại biểu cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; tăng thêm chi phí cho ngành Y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống các dịch bệnh.
Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích thêm các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân về những vướng mắc hiện nay, cũng như các vấn đề tồn đọng về các chế độ, chính sách.
Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như vậy, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. “Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.
Về việc tổng kết và đưa ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng, chống dịch. Từ đó đánh giá những mặt làm được, những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
Đối với việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết vấn đề này sẽ giải quyết triệt để trong Luật Dược (sửa đổi).