Đề xuất tăng giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm cho mọi ngành nghề

Phúc Minh
Chia sẻ

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có kiến nghị Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

HẦU HẾT DOANH NGHIỆP PHẢI LÀM THÊM GIỜ VƯỢT QUY ĐỊNH

Theo đó, hướng đề xuất là nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ. Đồng thời, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (trong giờ làm việc, chuyển ca...), tiền lương vẫn tuân thủ theo Bộ luật Lao động.

Quy định này dự kiến áp dụng cho tất cả người sử dụng lao động và người lao động thuộc đối tượng trong Bộ luật Lao động. Trong đó, đối tượng là người sử dụng lao động bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia định, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.  

Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022 và báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Để bảo đảm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất đã làm gia tăng rất nhiều chi phí của doanh nghiệp như: Chi phí xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, bảm đảm giãn cách, bố trí ăn, ở của người lao động tại nơi làm việc, phương tiện vận chuyển do phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”…

Đặc biệt ở nhiều doanh nghiệp, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50%, nhất là doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, chế biến thuỷ, hải sản…, lực lượng lao động có khi giảm xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất cho các hợp đồng đã ký kết.

Thực tế này khiến hầu hết doanh nghiệp có nhu cầu phải tổ chức làm thêm giờ nhiều hơn quy định bình thường.

CẦN CƠ CHẾ ĐỂ DOANH NGHIỆP DỒN LỰC CHO SẢN XUẤT

Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ, hải sản …) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch, do thiếu hụt lao động, một bộ phận lao động áp dụng “3 tại chỗ” có nhu cầu làm thêm quá 40 giờ trong một tháng để bù cho lực lượng lao động thiếu hụt.

Bên cạnh đó, khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng mong muốn được thoả thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ/tháng và từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm, mà không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.

Nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp hiện nay là cần có cơ chế, chính sách để dồn lực cho sản xuất ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Nếu không có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp phục hồi dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế, chính sách tốt hơn”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ.

Cơ quan này cũng cho rằng, việc làm thêm giờ như trên sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản, hải sản… do đến vụ mùa cần thu mua, chế biến nhưng các doanh nghiệp chế biến không bảo đảm về nguồn nhân lực để thu mua và chế biến cho người dân do tác động của đại dịch.

Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Bộ luật Lao động cần có sự điều chỉnh trong giai đoạn hiện nay dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các cơ quan. Về cơ bản, tất cả các ý kiến đều thống nhất. Một số Hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ trong 1 năm.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp nhất định. “Việc tăng thời gian làm thêm lên quá 300 giờ/năm là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người lao động, an toàn lao động, hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con