DeepMind hạn chế phát hành nghiên cứu nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh
Công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind của Google sẽ hạn chế công bố các kết quả nghiên cứu đột phá nhằm duy trì lợi thế trong cuộc đua thống trị ngành AI…

Nhóm nghiên cứu do Sir Demis Hassabis, người từng đoạt giải Nobel, dẫn dắt đã áp dụng quy trình kiểm duyệt khắt khe hơn cùng với nhiều thủ tục hành chính hơn, gia tăng rào cản cho việc xuất bản các nghiên cứu về AI, theo các nhà khoa học nghiên cứu hiện tại và cựu nhân viên của Google DeepMind.
Tờ Financial Times đưa tin, ba cựu nhà nghiên cứu cho biết DeepMind đặc biệt thận trọng trong việc chia sẻ các nghiên cứu có thể bị đối thủ tận dụng hoặc làm giảm uy tín của mô hình AI Gemini của Google so với các đối thủ khác.
Những thay đổi này đánh dấu sự chuyển hướng lớn đối với DeepMind – công ty vốn tự hào về việc liên tục công bố các nghiên cứu đột phá và là nơi quy tụ những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực AI.
Những phát minh mang tính cách mạng của các nhà nghiên cứu Google – chẳng hạn như bài báo năm 2017 về “mô hình transformer” đặt nền tảng cho các mô hình ngôn ngữ lớn – đã đóng vai trò trung tâm trong sự bùng nổ của AI tạo sinh ngày nay.
Kể từ đó, DeepMind trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược khai thác công nghệ tiên tiến của Google, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng tập đoàn công nghệ này đang để mất vị trí dẫn đầu vào tay OpenAI – đơn vị phát triển ChatGPT.
“Tôi không thể tưởng tượng được việc chúng tôi công bố các nghiên cứu về transformer lại được sử dụng rộng rãi như hiện nay”, một nhà nghiên cứu hiện tại của DeepMind chia sẻ.
Một trong những thay đổi trong chính sách xuất bản của công ty là áp đặt lệnh cấm công bố trong sáu tháng đối với các nghiên cứu chiến lược liên quan đến AI tạo sinh. Các nhà nghiên cứu cũng thường phải thuyết phục nhiều nhân sự về giá trị của một nghiên cứu trước khi được phép xuất bản, theo hai nguồn tin nắm rõ vấn đề này.
Một nguồn tin thân cận với DeepMind cho biết, các thay đổi này nhằm giúp các nhà nghiên cứu tránh lãng phí thời gian vào những công trình sẽ không được phê duyệt vì lý do chiến lược hoặc cạnh tranh. Họ cũng khẳng định DeepMind vẫn sẽ công bố hàng trăm nghiên cứu mỗi năm và là một trong những đơn vị đóng góp lớn nhất cho các hội nghị AI hàng đầu thế giới.
NHIỀU LO NGẠI CÒN BỎ NGỎ
Những lo ngại về việc Google sẽ bị tụt lại phía sau trong cuộc đua AI đã thúc đẩy thương vụ sáp nhập DeepMind (trụ sở tại London) với Brain AI (trụ sở tại California) vào năm 2023. Kể từ đó, công ty này đã đẩy nhanh việc ra mắt hàng loạt sản phẩm ứng dụng AI.
"Công ty hiện quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm thay vì công bố kết quả nghiên cứu phục vụ lợi ích cộng đồng", một cựu nhà khoa học của DeepMind nhận xét. "Đây không phải là điều tôi mong đợi khi tham gia vào doanh nghiệp này".
DeepMind cho biết "luôn cam kết thúc đẩy nghiên cứu AI" và đang thực hiện các cập nhật chính sách để duy trì khả năng xuất bản và đóng góp vào hệ sinh thái nghiên cứu rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin nội bộ, hệ thống kiểm duyệt bài báo đã trở nên quan liêu hơn sau khi DeepMind sáp nhập với Brain.
Một số cựu nhân viên cho rằng quy trình mới này đã kìm hãm việc công bố các nghiên cứu có tính nhạy cảm thương mại, nhằm ngăn chặn rò rỉ những phát minh tiềm năng. Một người cho biết việc xuất bản nghiên cứu về AI tạo sinh gần như "bất khả thi".
Trong một trường hợp, DeepMind đã ngăn chặn công bố nghiên cứu cho thấy mô hình ngôn ngữ Gemini của Google kém hiệu quả hoặc ít an toàn hơn so với các đối thủ, đặc biệt là GPT-4 của OpenAI, theo một nhân viên hiện tại.
Tuy nhiên, nhân viên này cũng tiết lộ rằng DeepMind đã chặn một bài nghiên cứu chỉ ra lỗ hổng bảo mật của ChatGPT vì lo ngại việc công bố có thể bị xem là động thái đối đầu trực diện.
Một nguồn tin thân cận với DeepMind cho biết, công ty không cấm các nghiên cứu về lỗ hổng bảo mật, đồng thời khẳng định, doanh nghiệp thường xuyên công bố những nghiên cứu dạng này theo chính sách “công bố có trách nhiệm”, trong đó yêu cầu các công ty có thời gian khắc phục lỗi trước khi thông tin được công khai.
Tuy vậy, sự kiểm soát chặt chẽ này đã gây bất mãn trong nội bộ - nơi mà thành công lâu nay được đo lường bằng việc xuất hiện trên các tạp chí khoa học danh tiếng. Theo một số nguồn tin, quy trình kiểm duyệt mới đã khiến nhiều nhân viên quyết định rời đi.
“Trong vai trò nhà khoa học, nếu bạn không thể công bố nghiên cứu, điều đó đồng nghĩa với việc bạn tự hủy hoại sự nghiệp của mình”, một cựu nghiên cứu viên nhận xét.
Một số cựu nhân viên cho biết thêm, các dự án tập trung vào việc cải tiến bộ sản phẩm AI Gemini ngày càng được ưu tiên hơn trong cuộc cạnh tranh nội bộ để có quyền tiếp cận dữ liệu và tài nguyên điện toán.
Trong vài năm qua, Google đã ra mắt một loạt sản phẩm ứng dụng AI được thị trường đón nhận tích cực, bao gồm việc cải tiến tính năng tổng hợp AI trong kết quả tìm kiếm, cũng như giới thiệu Astra – một trợ lý AI có thể trả lời câu hỏi theo thời gian thực trên nền tảng video, âm thanh và văn bản.
Giá cổ phiếu của Google đã tăng tới 1/3 trong năm qua, dù mức tăng này đã thu hẹp gần đây do lo ngại về thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến cổ phiếu công nghệ.
Trong những năm gần đây, vị tổng giám đốc điều hành của DeepMind phải cân bằng giữa mong muốn thương mại hóa các đột phá của Google và sứ mệnh cuộc đời ông – xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), tức là các hệ thống AI có khả năng ngang bằng hoặc vượt trội con người.
"Ông ấy sẽ loại bỏ bất kỳ thứ gì cản trở mục tiêu đó", một nhân viên DeepMind cho hay. "Ông ấy nói rõ đây là một công ty, không phải một trường đại học; nếu bạn muốn làm việc ở một nơi như vậy, thì hãy rời đi”.