Đến lượt cổ phiếu chứng khoán bùng nổ, nhóm FLC tím ngắt
Thị trường tiếp diễn đà tăng tích cực cuối tuần qua, dòng tiền xoay vòng tìm kiếm các nhóm cổ phiếu mạnh. Sáng nay đến lượt nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng bùng nổ. Các mã bất động sản cũng hút tiền mạnh mẽ và tăng giá. Riêng nhóm cổ phiếu FLC có phiên kịch trần thứ hai liên tiếp...
Thị trường tiếp diễn đà tăng tích cực cuối tuần qua, dòng tiền xoay vòng tìm kiếm các nhóm cổ phiếu mạnh. Sáng nay đến lượt nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng bùng nổ. Các mã bất động sản cũng hút tiền mạnh mẽ và tăng giá. Riêng nhóm cổ phiếu FLC có phiên kịch trần thứ hai liên tiếp.
Bất kết câu chuyện thâu tóm tại FLC như thế nào, giá cổ phiếu tăng là điều cổ đông được lợi nhất chứ không phải bị thiệt. FLC, HAI, ART, ROS, AMD, KLF đều tăng hết biên độ và đang có dư mua giá trần.
Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này tụt giảm do ít người bán ra. FLC mới khớp 12,79 triệu cổ, dư mua trần còn 8,89 triệu cổ. ROS khớp 13,58 triệu cổ, dư mua trần 3,08 triệu... Hôm nay mới là ngày T+1 của khối lượng bắt đáy “bị nghi” là thâu tóm. Ít nhất phải chờ tới ngày T+3 hoặc dài hơn mới biết chắc cú đảo giá tại nhóm này có tính chất đầu cơ đơn thuần, hay gì đó khác.
Nhóm cổ phiếu FLC tăng mạnh không tạo cảm hứng nhiều lắm cho các mã đầu cơ. HoSE chỉ có 8 mã kịch trần thì 4 mã đã thuộc họ FLC, còn lại là FTS, DMC, TGG và SMA.
FTS là cổ phiếu đại diện cho nhóm chứng khoán sáng nay giao dịch rất tích cực. Trong tất cả các mã ngành chứng khoán đang giao dịch ở ba sàn, duy nhất PHS đang giảm 5,77% nhưng mã này cũng chỉ thanh khoản được 400 cổ. Trong số còn lại có 9 mã tăng trên 6%, 17 mã tăng trên 4%, 10 mã tăng trên 2%.
Nhóm chứng khoán nhỏ tăng tốt hơn cả, ngoài ART và FTS kịch trần, CSI, CTS, VDS, VND là các mã rất khỏe. Nhóm blue-chips lại đuối hơn: SSI tăng 4,43%, HCM tăng 4,64%, VCI tăng 4,35%... Dù vậy trong bối cảnh HoSE chỉ có hơn 70 mã tăng quá 2% thì nhóm chứng khoán vẫn rất nổi bật. Mặt khác, hiếm có nhóm cổ phiếu ngành nào tăng đồng đều ít phân hóa như vậy.
VN-Index kết phiên sáng tăng 0,69% tương đương 10,47 điểm, lên mức 1.526,91 điểm, độ rộng 261 mã tăng/166 mã giảm. Đỉnh cao nhất chỉ số chạm tới là 1.530,95 điểm, chỉ thiếu khoảng 6 điểm nữa là vượt đỉnh. Chỉ số này vẫn chưa có được sự hỗ trợ tận sức từ các mã vốn hóa lớn nhất. VCB chẳng hạn, lại giảm 0,24%, VNM giảm 0,12%, TCB giảm 0,8%. VIC tăng không đáng kể 0,24%, VHM tăng 0,39%, GAS tăng 0,27%...
Như vậy chỉ số vẫn đang chủ yếu được dẫn dắt bằng các blue-chips tầm trung. GVR tăng 5,21%, MSN tăng 4,03%, NVL tăng 1,69% là những cổ phiếu khá nhất. Sức mạnh từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khá hạn chế, khi chỉ có TPB, VPB tăng trên 1%, còn lại tăng quá nhẹ hoặc giảm. Đây cũng là lý do khiến VN30-Index sáng nay lại tăng kém hơn VN-Index, chỉ trên tham chiếu 0,57% dù vẫn có 23 mã tăng/6 mã giảm.
Nhóm blue-chips cũng bất ngờ có tín hiệu giảm thanh khoản, cả rổ chỉ khớp 5.023 tỷ đồng, giảm 16% so với sáng phiên trước. Nguyên nhân đến từ nhóm siêu thanh khoản như HPG chỉ khớp được 287,5 tỷ đồng. Cổ phiếu chứng khoán giao dịch sôi động thì lại chỉ có SSI là thuộc rổ VN30. GEX, VND, DXG, DPM, KBC, DIG... là những cổ phiếu Midcap thanh khoản rất tốt. Nhờ đó rổ này sáng nay lại vượt VN30 về giá trị khớp lệnh tuyệt đối, đạt 7.102,5 tỷ đồng.
Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay vẫn tăng nhẹ 8% so với phiên trước, sàn HoSE thậm chí vẫn tăng 11%. Đây là tín hiệu tốt cho thấy dòng tiền vẫn đang vào, dù nhóm VN30 có giảm giao dịch. Độ rộng của VN-Index tích cực ngay cả khi chỉ số này tiến sát đỉnh cao lịch sử - ngưỡng được cho là sẽ gặp khó khăn để vượt qua.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch yếu, tổng mua tại HoSE chỉ đạt 720,5 tỷ, chiếm 4,4% sàn. Tổng giá trị bán đạt 797,2 tỷ, đạt 4,8%. Mức ròng tương ứng 76,7 tỷ đồng. HPG bị bán ròng đáng kể nhất với 54,3 tỷ, NVL -28 tỷ, NLG -27,8 tỷ, VCB -20,9 tỷ. Phía mua có VNM +54,3 tỷ, DGC +38,6 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND +72 tỷ.