DHgate vươn top App Store Hoa Kỳ nhờ làn sóng "bản sao hàng hiệu" từ Trung Quốc

Sơn Trần
Chia sẻ

DHgate bất ngờ gây sốt, leo thẳng lên top ứng dụng miễn phí trên App Store Hoa Kỳ trong thời gian gần đây…

Bà Diane Wang, nhà sáng lập, CEO DHgate.
Bà Diane Wang, nhà sáng lập, CEO DHgate.

Kr Asia đưa tin, DHgate - nền tảng thương mại điện tử B2B xuyên biên giới với 21 năm hoạt động - mới đây bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên App Store Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu Appfigures, ngày 11/4, DHgate đứng ở vị trí thứ 352 trong số ứng dụng iPhone không thuộc lĩnh vực game tại Hoa Kỳ. Hai ngày sau, ứng dụng leo lên vị trí thứ 6, và đến ngày 15/4, DHgate “chễm chệ” vị trí thứ 2, chỉ sau ChatGPT. 

Công ty cho biết lượng tải về trên iOS trong ngày 13/4 đạt 117.500 lượt, tăng 732% so với mức trung bình 30 ngày. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 65.100 lượt tải, tăng khoảng 940%.

Vậy điều gì đã kích hoạt cú tăng vọt này? Nguyên nhân được cho là một phần đến từ video lan truyền của nhà bán hàng Trung Quốc trên TikTok, phần còn lại đến từ tâm lý lo ngại trước nguy cơ tăng thuế.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nâng mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%, TikTok chứng kiến sự gia tăng video từ nhà cung ứng Trung Quốc. Nhiều video trong số đó giải thích chuỗi cung ứng toàn cầu, với nhiều sản phẩm từ trung đến cao cấp, được sản xuất tại Trung Quốc.

Các video này cho thấy văn hóa tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng gắn chặt với sản xuất Trung Quốc, không chỉ ở phân khúc thời trang nhanh hay đồ điện tử giá rẻ. Một số video còn tuyên bố một số thương hiệu xa xỉ phương Tây cũng dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, DHgate xuất hiện như một kênh mua sắm thay thế sản phẩm cao cấp với giá mềm hơn.

HÀNH TRÌNH CỦA DHGATE

Được thành lập vào năm 2004, DHgate là nền tảng thương mại điện tử xuất khẩu B2B đầu tiên của Trung Quốc. Đây là công ty tiên phong trong làn sóng thương mại xuyên biên giới.

Làn sóng tăng trưởng của DHgate không chỉ đến từ nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc mà người dùng quốc tế cũng nhanh chóng nhập cuộc.

Người dùng TikTok có tên “santas4life” đã đăng video so sánh giữa một chiếc ví Louis Vuitton mua tại cửa hàng và phiên bản trị giá 100 USD trên DHgate (đi kèm một túi nhỏ cùng bộ). Cô cho rằng hai sản phẩm giống hệt nhau về đường may và chất liệu. Đến ngày 17/4, video đã bị gỡ xuống.

Một nhà sáng tạo khác có tên Ebony Brown (@ebonybrownstyle), chia sẻ với người theo dõi trên TikTok rằng các cửa hàng hàng hiệu tại Ý thực chất chỉ thực hiện khâu hoàn thiện cuối cùng cho sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, rồi bán ra những món đồ không hoàn toàn “sản xuất tại châu Âu” với mức giá cao ngất ngưởng.

Tuy nhiên, những tuyên bố này chưa thể xác minh tính chính xác.

Người tiêu dùng Trung Quốc từ lâu đã chia sẻ mẹo săn hàng “dupe” (phiên bản tương tự giá rẻ), thế nhưng sức hút toàn cầu hiện tại phần lớn đến từ áp lực kinh tế, hơn là đơn thuần đi tìm món hời.

TikTok đã xuất hiện nhiều video unbox sản phẩm DHgate từ nhiều năm nay, nhưng phần lớn không nhận được sự chú ý. Trong một video năm 2023, người dùng khoe vòng tay mang phong cách Van Cleef & Arpels cùng túi lấy cảm hứng từ Chanel.

Nhà sáng lập kiêm CEO DHgate, bà Diane Wang, từng là một trong những nhân viên đầu tiên của Microsoft Trung Quốc. Năm 2000, bà được mời làm CEO Joyo.com (sau này được Amazon mua lại) bởi chính nhà sáng lập Xiaomi Lei Jun, và từng làm việc cùng người sáng lập Vancl Chen Nian sau này. Bà Wang rời Joyo.com vào năm 2002 và thành lập DHgate hai năm sau đó.

Được quảng bá là nền tảng B2B xuất khẩu “một điểm đến”, DHgate cho biết hiện nền tảng đang phục vụ người mua tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các tiểu thương hoặc người tiêu dùng cuối. Nhà bán hàng trên nền tảng phần lớn đến từ Trung Quốc, cung cấp sản phẩm giá rẻ trong danh mục như quần áo, đồ chơi và phụ kiện điện thoại.

Những năm gần đây, DHgate đẩy mạnh chiến lược tiếp thị dựa vào nhà sáng tạo nội dung. Một bài đăng trên WeChat của công ty nhấn mạnh hai dịch vụ chủ chốt: MyyAffiliate – kết nối người ảnh hưởng và người bán dựa vào thuật toán và phân tích dữ liệu; và MyyShop – hỗ trợ nhà sáng tạo và tiểu thương với công cụ tiếp thị và tính năng liên kết hoa hồng.

Dù đợt bùng nổ gần đây trên TikTok của DHgate là chiến dịch có kế hoạch kỹ lưỡng thông hay đơn thuần là kết quả tự nhiên thì vẫn chưa rõ. Nhưng một điều chắc chắn: thời điểm này đã chạm đúng tâm lý người tiêu dùng, ngày càng lo ngại về thuế quan và giá cả leo thang.

Truy cập vào trang web DHgate lúc này, người dùng sẽ bắt gặp một “kho tàng” hàng hóa mô phỏng thương hiệu nổi tiếng như túi xách Minmin, phụ kiện Dor (gợi nhớ phong cách Dior), với mức giá nằm giữa hai ông lớn Temu và Amazon.

Quyết định gia nhập thị trường B2B xuyên biên giới của CEO Diane Wang mang đậm tính cá nhân. Sau nhiều năm đảm nhiệm vai trò liên quan đến người tiêu dùng tại Joyo.com, bà muốn tìm kiếm một thử thách mới. Tuy nhiên, việc tập trung vào thị trường ngách có thể đã giới hạn tốc độ tăng trưởng của DHgate. 

Trong “cuộc chơi” đã có những cái tên lớn như eBay, Amazon và Alibaba chi phối, DHgate thiếu đi lợi thế hạ tầng ban đầu, chẳng hạn như hệ thống thanh toán và logistics mạnh mẽ, vốn có thể giúp công ty mở rộng quy mô.

Gần hai thập kỷ trôi qua, DHgate vẫn là cái tên “ngoài rìa” trong ngành thương mại điện tử chính thống. Công ty đã nộp hồ sơ IPO tại Hồng Kông năm 2021, báo cáo lợi nhuận ròng điều chỉnh năm 2020 đạt 24,1 triệu USD. Doanh thu tăng từ 117 triệu USD vào năm 2017 lên 231 triệu USD năm 2020, sở hữu tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 39,8%.

NHẤT THỜI HAY BỀN VỮNG?

Liệu thành công của DHgate có còn đứng vững sau khi hiệu ứng viral phai nhạt.
Liệu thành công của DHgate có còn đứng vững sau khi hiệu ứng viral phai nhạt.

Chỉ riêng mảng bán buôn và thương mại xuyên biên giới của Alibaba đã mang về 2,2 tỷ USD doanh thu trong năm 2021, gần gấp 10 lần con số mà DHgate đạt được năm 2020.

Dữ liệu truy cập từ công ty chứng khoán Thiên Phong (Tianfeng Securities) cũng phản ánh sự chênh lệch tương tự. Nền tảng quốc tế của Alibaba thu hút trung bình khoảng 88 triệu lượt truy cập mỗi tháng, trong khi DHgate chỉ đạt khoảng 18 triệu.

Theo hồ sơ IPO DHgate, số lượng người mua đăng ký trên nền tảng này tăng từ 5,7 triệu vào năm 2018 lên 8,3 triệu vào năm 2020 và khoảng 4,9 triệu là người dùng đang hoạt động. Trong đó, gần một nửa - 48% người dùng đến từ Hoa Kỳ, tiếp theo là Vương quốc Anh và Pháp -đều chiếm khoảng 9–9,5%, phần còn lại rải rác ở thị trường khác.

Dù Hoa Kỳ từ lâu đã là thị trường chủ lực của DHgate, nhưng làn sóng tải ứng dụng do TikTok thúc đẩy gần đây là chưa từng có tiền lệ.

Dẫu vậy, lượng quan tâm tăng đột biến không thể giải quyết những thách thức mang tính cấu trúc. Khi phần lớn nhà bán hàng của nền tảng này đều đặt tại Trung Quốc, DHgate khó tránh khỏi ảnh hưởng từ việc Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu. Nhiều người dùng mới tìm đến DHgate để “săn” món hời, nhưng nếu một chiếc ví từng có giá 100 USD bị đội lên thành 300 USD vì thuế thì sức hút sẽ nhanh chóng biến mất.

Trước khoảnh khắc “viral” lần này, DHgate gần như vô danh với công chúng quốc tế. Một số YouTuber từng đăng video cảnh báo người xem về nguy cơ lừa đảo khi sử dụng nền tảng này, với lý do phổ biến là hàng không được giao hoặc thiếu hỗ trợ khách hàng.

Phần lớn người bán trên DHgate là tiểu thương, cá nhân nhỏ lẻ. Thiếu kiểm soát chất lượng nhất quán và dịch vụ khách hàng đáng tin cậy, lượng người dùng tăng mạnh hiện tại có thể chỉ là nhất thời.

Sau cùng, làn sóng tải ứng dụng dường như là phản ứng của người tiêu dùng trước áp lực kinh tế, hơn là dấu hiệu của tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu sức ép, và thách thức thực sự của DHgate, công ty từng mơ “soán ngôi” Alibaba, là phải giữ sự hiện diện sau khi hiệu ứng viral phai nhạt.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con