Dịch vụ đổi pin có thể làm thay đổi “cuộc chơi” xe điện hai bánh
Đối với các dòng xe máy điện hiện nay, khó khăn về hạ tầng, thời gian sạc pin lâu và giá pin đắt đỏ vẫn là những rào cản khiến người tiêu dùng Việt chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông “xanh”. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ đổi pin, nhiều vướng mắc đang dần được tháo gỡ và đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, phân phối xe máy điện nội địa có thể cạnh tranh với các thương hiệu xe nhập khẩu.
Ngày 14/6, Công ty CP Phát triển Năng lượng Sơn Hà và Công ty CP Phương tiện điện Thông minh Selex (Selex Motor) tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược ứng dụng pin hoán đổi và phát triển mạng lưới đổi pin chia sẻ cho xe điện 2 bánh EVGO.
Sơn Hà là một tập đoàn lớn, đa ngành với 27 công ty thành viên, 120 chi nhánh, 30.000 điểm phân phối tại Việt Nam và 30 quốc gia trên thế giới. Dù được biết đến là một doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng xanh nhưng trong lĩnh vực xe điện thì Sơn Hà mới bắt đầu sản xuất từ năm 2020, với sản phẩm đầu tiên là EVGO. Đến nay, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà đã ra mắt 10 mẫu xe điện, với mục tiêu trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất, lắp ráp xe máy điện lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, Selex Motors được thành lập năm 2018, là một doanh nghiệp start-up với khát vọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới thông qua phương tiện điện thông minh, đưa năng lượng tái tạo vào giao thông. Ngay từ ngày đầu, công ty đã tập trung vào xây dựng một hệ sinh thái toàn diện gồm: xe máy điện Selex Camel, hạ tầng trạm đổi pin, hạ tầng quản lý IoT. Thông qua hệ sinh thái này, Selex Motors mong muốn giải quyết triệt để các vấn đề của xe điện hiện nay, đó là sự bất tiện trong nạp năng lượng và chi phí cao. Hiện tại, Selex Motors là một trong số ít doanh nghiệp tại Đông Nam Á đã làm chủ được công nghệ về pin với 10 bằng sáng chế và sản xuất sản phẩm tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%.
Tại buổi lễ ký kết, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết kết quả nghiên cứu, thử nghiệm rất tốt, thao tác hoán đổi pin được thực hiện nhanh chóng, chỉ khoảng 2 phút/lần, tiết kiệm thời gian hơn nhiều lần so với chờ đợi sạc pin.
“Việc hợp tác giữa hai bên lần này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đến chủ trương của Chính phủ đối với Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Đây là sự bắt tay của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam tiên phong đưa xe điện trở thành phương tiện giao thông chính trong tương lai gần”, ông Tân nói.
Về giải pháp đổi pin chia sẻ, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên – CEO Selex Motors cho biết dịch vụ đổi pin sẽ giải quyết được hai vấn đề lớn của xe điện hiện tại, đó là sự tiện lợi về thời gian và tiết giảm chi phí so với việc mua pin về để sạc tại nhà. Bên cạnh đó, Selex Motors hướng tới việc chia sẻ công nghệ, hạ tầng, giải pháp đổi pin với tất cả các đối tác và người dùng để cùng nhau phát triển một hạ tầng năng lượng dùng chung tại Việt Nam.
“Chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn trong lĩnh vực xe điện hóa. Nó sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi, không chỉ ở việc thay đổi loại phương tiện giao thông mà còn thay đổi cả về các dịch vụ giao thông, chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực xe điện và năng lượng xanh là một công thức rất phù hợp để phát huy nguồn nội lực và có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, phát triển bền vững và cùng nhau chiến thắng”, ông Nguyên nói.
Theo kế hoạch, sau lễ ký kết, hai bên sẽ triển khai đưa các sản phẩm xe máy điện sử dụng ứng dụng đổi pin và hạ tầng trạm đổi pin dành cho khách hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các khu du lịch, tiến tới mở rộng mô hình ra toàn quốc.