Điểm danh loạt cổ phiếu kinh doanh tăng trưởng, câu chuyện hấp dẫn
Các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như thực phẩm, bảo hiểm là những lựa chọn tương đối an toàn. Ngoài ra, nhóm ngành triển vọng, có câu chuyện hồi phục như may mặc, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn...
Đầu tư cổ phiếu dựa trên nền tảng cơ bản với kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng được nhiều nhà đầu tư ưu tiên hàng đầu. Mirae Asset mới đây đã lọc ra hàng loạt cổ phiếu nhằm đáp ứng các tiêu chí trên.
Bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2024 có sự cải thiện và phân hóa giữa các nhóm ngành. Tuy rằng, số lượng nhóm ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương ít hơn so với quý 1/2024, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường cao hơn.
Cụ thể, theo dữ liệu FiinPro, ghi nhận tổng lợi Quý 2/2024 tăng trưởng so với cùng kỳ tăng 26% và cao hơn so với mức tăng trong quý 1/2024 tăng 21,5%, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng của quý 4/2023 tăng 56,6%.
Lợi nhuận sau thuế của nhóm Phi tài chính tăng mạnh hơn Tài chính trong quý 2/2024 lần lượt tăng 32,9% và 20,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ghi nhận nhóm ngành tăng gồm: Bán lẻ (+1403,3%), Viễn thông (+443,1%), Du lịch và giải trí (+406,2%), Tài nguyên cơ bản (+278.7%), Ô tô và phụ tùng (+139,3%), Hóa chất (+54,6%), Hàng cá nhân và gia dụng (+34.8%), Công nghệ thông tin (+24,1%), Ngân hàng (+21,6%), Bất động sản (+15,5%), Xây dựng và vật liệu (+15,0%), Hàng & Dịch vụ công nghiệp (+11,5%), Bảo hiểm (+11,1%), Thực phẩm và đồ uống (+8,7%), Dịch vụ tài chính (+2,9%).
Nhóm ngành giảm gồm: Dầu khí (-9,9%), Y tế (-10,7%), Truyền thông (-11,3%),
Tiện ích (-19,5%).
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không quá lạc quan trong quý 2/2024, khi rơi vào đà giảm vào tháng 4, hồi phục vào tháng 5 và gần như đi ngang trong tháng 6. Ghi nhận phiên giao dịch cuối cùng tháng 6, VN-Index đạt 1.245,32 điểm, giảm -1,3% so với tháng 5, nhưng vẫn giữ được mức tăng 10,21% so với cuối năm 2023.
Khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 6/2024 đạt hơn 857 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 22.914 tỷ đồng/ngày, tương ứng tăng 3,71% về khối lượng và tăng 6,11% về giá trị so với tháng 5/2024.
Tính đến hết ngày 30/6/2024 giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,08
triệu tỷ đồng, tương đương 50,26% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), giảm 1,11% so với tháng 5/2024 và tăng hơn 11,58% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 93,46% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.
Dựa trên kết quả kinh doanh quý 2/2024, Mirae Asset tiến hành lọc cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng. Các tiêu chí dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt theo phương pháp SEPA của Mark Minervini và phương
pháp đầu tư Canslim của William O’neil.
Trong đó, các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như thực phẩm, bảo hiểm là những lựa chọn tương đối an toàn. Ngoài ra, nhóm ngành triển vọng, có câu chuyện hồi phục như may mặc, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn.
Mirae Asset đã chọn lọc và đánh giá dựa trên việc so sánh biên lợi nhuận gộp giữa 2 quý gần nhất và năm trước đó để đưa danh sách cổ phiếu tiềm năng, có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời phải thỏa mãn tiêu chí về giá trị giao dịch, tức mã cổ phiếu có thanh khoản.
Nhóm Super điều kiện cơ bản: Biên lợi nhuận gộp Q2/2024 cao hơn Biên lợi nhuận gộp Q1/2024 và cao hơn Biên lợi nhuận gộp 2023. Các cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí gồm: CTD, HPG, HSG, HVN, NKG, MWG, VNM, ACV, PVB, PLX, MCH, VGI...
Nhóm Good: Điều kiện cơ bản: Biên lợi nhuận gộp Q2/2024 lớn hơn Biên lợi nhuận gộp Q1/2024. Các cổ phiếu thỏa mãn điều kiện cơ bản gồm GAS, GVR, POW, LAS...
Trước đó nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán tháng 8, Mirae Asset cho rằng diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù vậy, rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực giảm điểm chung trên các nền thị trường chứng khoán lớn sẽ góp phần tác động tiêu cực đến diễn biến giao dịch tại thị trường Việt Nam.
Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, kỳ vọng thị trường sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá hấp dẫn của VN-Index, tiêu biểu như vùng -1 đến -2 lần độ lệch chuẩn so với P/E bình quân 10 năm gần nhất, kéo dài trong khoảng 1.050 điểm đến 1.150 điểm. Kỳ vọng vùng hỗ trợ này dựa trên đánh giá sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và xu hướng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm.
Xu hướng chọn cổ phiếu dựa trên nền tảng kinh doanh tốt vẫn được các chuyên gia đặt lên hàng đầu. Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank cho rằng năm nay Vn-Index trong xu hướng đi lên nhưng biên độ dao động rộng. Chiến lược giai đoạn này là quay trở lại mua nhóm ngành mạnh nhưng định giá, nền giá không cao phù hợp với những nhà đầu tư hơi chậm chân. Những cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.