Điểm đến của dòng tiền trong dài hạn vẫn là chứng khoán
Mỗi loại hình đầu tư hay mỗi kênh đầu tư có đặc điểm về tỷ suất sinh lời và rủi ro khác nhau, tuy nhiên điểm đến cho dòng tiền trong bối cảnh lãi suất tăng như hiện nay được các chuyên gia nhìn nhận vẫn là chứng khoán với xu hướng đầu tư trong trung và dài hạn…
Kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ những sự kiện và tin tức không tốt từ đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, Việt Nam dù vẫn chịu ảnh hưởng nhẹ do áp lực giá xăng tăng giai đoạn đầu năm và tình hình lạm phát từ Mỹ cũng như các quốc gia Châu Âu, nhưng vẫn có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,4%; các chỉ số FDI, xuất khẩu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt.
Trong bối cảnh này, đầu tư vào đâu luôn là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm, nhất là trong bối cảnh lãi suất điều hành và huy động vừa được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng.
CHỨNG KHOÁN VẪN LÀ LỰA CHỌN ƯU TIÊN
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Á, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và tăng 6,7% trong năm 2023. Theo đó, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.
Chia sẻ tại tọa đàm đầu tư 2022 chủ đề "Dòng tiền" vào cuối tuần qua tại TP.HCM, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhận định: Chứng khoán Việt Nam khá hấp dẫn ở thời điểm hiện tại và có nhiều triển vọng trong thời gian tới khi kinh tế phục hồi.
"Việt Nam là thị trường hiếm hoi trong khu vực ở thời điểm này nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng cổ phiếu, phần nào phản ánh sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán so với các kênh đầu tư khác"
- Tiến sĩ Cấn Văn Lực.
Cũng theo ông Lực, việc Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái tăng lãi suất điều hành và huy động là đúng thời điểm và hợp lý sẽ giúp kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Năm nay, lạm phát được dự báo sẽ dưới 4%, trong khi lạm phát toàn cầu ở mức 7,3%. Tỷ giá của Việt Nam cũng được kiểm soát tốt khi đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 3,6%, khá thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Đánh giá từ Bloomberg cũng cho rằng các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt với mức dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu của thị trường là 19,89% trong năm 2022. Đặc biệt, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) hiện được xem đang ở trong vùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Dù hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn điều chỉnh, đến từ các yếu tố như "điều chỉnh" sau 2 năm tăng nóng, "đầu cơ", "đòn bẩy tài chính" và "đám đông" nhà đầu tư cá nhân là F0 (nhà đầu tư mới gia tham gia thị trường), nhưng trong dài hạn chứng khoán vẫn là kênh đầu tư khá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Người quản lý danh mục cổ phiếu, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam), cho biết: có nhiều cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng vào sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng trưởng ở mức 2 con số từ đầu năm 2022 đến nay. Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại lớn trong năm nay, là nguồn ngoại tệ lớn giúp bổ sung dự trữ ngoại tệ, ổn định giá trị đồng tiền nội tệ. Và việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service “nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định” cũng là minh chứng cho điều này.
ĐẦU TƯ DÀI HẠN LUÔN… THẮNG
Sau khi đã chọn lựa được kênh đầu tư phù hợp, việc phân bổ dòng tiền, chọn lựa ngành nghề để đầu tư cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Bà Trần Thị Kim Cương, CEO Quỹ Manulife Invetsment (Việt Nam) cho rằng: Mỗi loại hình đầu tư hay mỗi kênh đầu tư có đặc điểm về tỷ suất sinh lời và rủi ro khác nhau. Nhà đầu tư hiệu quả nhất là những người có tầm nhìn dài hạn. Nhà đầu tư dài hạn luôn là người chiến thắng.
Bà Kim Cương nêu dẫn chứng về sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn, lúc lên 35%, khi xuống 20%, nhưng nếu nhìn về dài hạn thì rất hiệu quả. “Thị trường khởi đầu với VN-Index ở mức 100 điểm, sau 21 năm đang là 1.200 điểm, tăng 12 lần. Tương tự với các công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường, chúng ta cũng thấy sự tăng trưởng vượt bậc của các công ty này trong vòng 10-15 năm qua".
“Lựa chọn thời điểm đầu tư không quan trọng bằng thời gian ở lại thị trường bao lâu. Trong dài hạn khi những yếu tố hành vi, tâm lý ngắn hạn qua đi, thị trường sẽ vận động theo những yếu tố cơ bản và mang lại giá trị cho những nhà đầu tư đủ kiên nhẫn."
- Ông Nguyễn Đức Hải.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Đầu tư Cấp cao Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam), nhấn mạnh: “Lựa chọn thời điểm đầu tư không quan trọng bằng thời gian ở lại thị trường bao lâu”. Điều này phản ánh việc giá trị không được sinh ra từ những hoạt động giao dịch. Vì nếu các nhà đầu tư giao dịch càng nhiều càng tốn chi phí thuế và phí nên hiệu quả sẽ không cao bằng việc lựa chọn những cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư lâu dài”.
Ông Cấn Văn Lực cũng đồng tình khi cho rằng, xu hướng đầu tư trong thời gian tới của nhà đầu tư là hướng đến đầu tư trung và dài hạn thay vì đầu cơ, lướt sóng. Và các lĩnh vực được chuyên gia này khuyến nghị đầu tư dưới góc độ cá nhân là những lĩnh vực đang có lợi thế như năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh (tài chính, bất động sản, chế biến nông sản…) và phát triển bền vững, mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường.
Cụ thể hơn, đại diện quản lý danh mục đầu tư của quỹ Manulife Investment liệt kê những ngành nghề được dự báo được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như đầu tư phát triển Khu Công nghiệp, Điện - Nước, Cơ sở hạ tầng, Logistics,...Kế đến là ngành bán sỉ và bán lẻ vào sự hồi phục sức mua mạnh mẽ từ tiêu dùng nội địa, và mùa mua sắm cao điểm cuối năm tại Việt Nam, xuất khẩu... Cuối cùng là ngành du lịch và dịch vụ hàng không đang trong quá trình hồi phục mạnh mẽ sau khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch nước ngoài và nhu cầu du lịch nội địa sau dịch.