11:26 21/09/2022

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á, giữ nguyên dự báo về Việt Nam

Điệp Vũ

Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 21/9 cắt giảm dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á trong năm 2022 và 2023, trong bối cảnh một loạt thách thức gia tăng gồm chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt, ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine và phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (Asian Development Outlook) của ADB dự báo nhóm các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 4,3% trong năm nay, sau khi đã cắt giảm dự báo còn 4,6% trong tháng 7 từ mức 5,2% trong tháng 4.

Về năm 2023, ADB dự báo nền kinh tế khu vực tăng trưởng 4,9%, thấp hơn mức dự báo tăng 5,3% đưa ra hồi tháng 4 và 5,2% đưa ra hồi tháng 7.

“Kể từ báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á hồi tháng 4, những trở ngại đã tăng lên nhiều”, hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng Albert Park của ADB. “Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ đang gây suy giảm nhu cầu trên toàn cầu và khiến các thị trường tài chính biến động mạnh”.

 

Dự báo lạm phát của Việt Nam không thay đổi qua 3 lần báo cáo của ADB, duy trì ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.

Ông Park cảnh báo rằng một cuộc suy thoái sâu của kinh tế toàn cầu có thể gây suy giảm nghiêm trọng nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của khu vực.

Theo dự báo mới nhất của ADB, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, giảm nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 4% đưa ra hồi tháng 7 và 5% đưa ra hồi tháng 4. Năm tới, ADB dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 4,5%, so với mức dự báo tăng 4,8% đưa ra hồi tháng 7.

Đông Nam Á và Trung Á được ADB nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế, với mức tăng dự báo của năm 2022 của hai khu vực tương ứng lần lượt là 5,1% và 3,9%.

ADB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Á ở mức 6,5%, bất chấp dự báo tăng trưởng của Ấn Độ bị cắt giảm và Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế.

Đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023 đều được ADB giữ nguyên trong 3 Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á gần nhất. Theo đó, định chế có trụ sở ở Manila, Philippines dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm tới.

Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023. Trong báo cáo mới nhất, mức tăng trưởng của toàn khu vực Đông Nam Á được ADB dự báo ở mức 5,1% trong năm nay và 5% trong năm tới.

Dự báo của ADB phản ánh sự lạc quan tương đối của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam. Mới đây, công ty đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việc tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực của Việt Nam.

Theo báo cáo của ADB, lạm phát bình quân tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á năm nay sẽ là 4,5%, tăng từ mức dự báo 3,7% đưa ra hồi tháng 4 và 4,2% đưa ra hồi tháng 7. Dự báo lạm phát cho năm 2023 là 4%, so với mức 3,1% đưa ra hồi tháng 4 và 3,5% đưa ra hồi tháng 7.

Dự báo lạm phát của Việt Nam không thay đổi qua 3 lần báo cáo của ADB, duy trì ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.