Doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt báo lãi lớn, cổ phiếu tăng giá mạnh
Trên thị trường, phản ứng với kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu nhóm bán lẻ bật tăng mạnh trong vòng một tuần trở lại đây...
Số liệu vừa công bố từ Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước,
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%)
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%.
DOANH NGHIỆP BÁN LẺ ĐỒNG LOẠT BÁO LÃI LỚN
Trên thị trường chứng khoán, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng đua nhau báo lãi lớn.
Vinamilk là doanh nghiệp vừa báo lãi lớn trong quý 2 vừa qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, doanh thu thuần VNM đạt 16.655 tỷ đồng, vượt qua đỉnh 16,194 tỷ đồng của quý 3/2021 để trở thành quý có doanh thu cao nhất. Đây cũng là quý có mức tăng trưởng cao nhất của doanh nghiệp kể từ đầu năm 2022 khi đạt gần 11% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay giảm mạnh, nhờ đó VNM báo lãi sau thuế 2.671 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng qua, VNM ghi nhận lợi nhuận ròng 4.865 tỷ đồng, cũng tăng mức tương ứng 20%.
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng vừa báo lãi tăng gấp 67 lần trong quý 2 vừa qua với khoản lãi ròng 1.200 tỷ đồng. Theo đó, quý 2/2024, MWG đem về hơn 34.100 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 65.600 tỷ đồng và thực hiện được 52% kế hoạch năm đề ra.
Riêng tháng 6 vừa qua, doanh thu chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng 6/2023, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của sản phẩm điện thoại và tivi trong bối cảnh sản phẩm máy lạnh đã qua mùa cao điểm.
Còn với Bách hóa xanh, doanh thu tháng 6 đạt 3.600 tỷ đồng, tương ứng doanh thu bình quân tiến lên mốc 2.1 tỷ đồng/cửa hàng. Chuỗi này đã có lãi 7 tỷ đồng trong quý 2.
Ở lĩnh vực trang sức, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt đạt 9.518 tỷ đồng và 428 tỷ đồng, tăng 43%/27%.
Tương tự, theo báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa được công bố, MSN ghi nhận 20.134 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 8% so với mức 18.609 tỷ đồng trong quý 2/2023, nhờ kết quả kinh doanh khả quan ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số là 503 tỷ đồng, tăng gần 379% và cao hơn kết quả 419 tỷ đồng của cả năm 2023.
GIÁ CỔ PHIẾU ĐÃ PHẢN ÁNH LỢI NHUẬN, TIỀM NĂNG TĂNG CÒN KHÔNG?
Trên thị trường, phản ứng với kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu nhóm bán lẻ bật tăng mạnh trong vòng một tuần trở lại đây. Về định giá, theo nhận định của Chứng khoán KBSV, nhiều công ty đã vượt hoặc đang tiệm cận P/S trung bình 5 năm phản ánh những kỳ vọng hồi phục của ngành bán lẻ.
Tuy nhiên, câu chuyện kỳ vọng hồi phục của ngành bán lẻ sẽ còn kéo dài đến năm 2025 nên vẫn sẽ có thể mở mua cổ phiếu ngành bán lẻ trong những nhịp điều chỉnh chung của toàn thị trường.
Ngành bán lẻ nửa cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và mức nền thấp từ năm trước. Ngành bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy nhiều triển vọng trong tương lai thu hút dòng tiền lớn, nửa đầu năm 2024 liên tục có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường trong nước có thể kể đến như thương vụ Bain Capital đầu tư vào MSN, CDH Investments đầu tư vào MWG, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng mở rộng cửa hàng tại Việt Nam như UNIQLO, MUJI,
Starbucks.
Thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO lớn của các công ty bán lẻ lớn trong nước như MSN IPO The CrownX, FRT IPO Long Châu.
Theo nhận định của chứng khoán KBSV, ngành hàng bán lẻ ICT có những kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như Chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; Dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.
Đối với MWG với 2 chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh, sau khi kết thúc cuộc chiến giá đã chiếm thêm thị phần từ các đối thủ, kết quả kinh doanh hồi phục mạnh mẽ nửa đầu năm 2024 dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm khi sức mua phục hồi, ngành ICT được hưởng lợi từ các yếu tố đã nêu bên trên, ngành CE cũng được hưởng lợi khi năm nay mùa hè đến sớm và khắc nghiệt hơn giúp doanh số máy lạnh tăng mạnh.
Đối với FRT, chuỗi FPT Shop hiện đang chậm chân trong quá trình phục hồi của ngành khi vấp phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ khác.
Đối với Bách Hoá Xanh của MWG, chuỗi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Bách Hóa Xanh ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua. Đây là lần đầu tiên chuỗi siêu thị này có lãi kể từ khi đi vào hoạt động. Bách Hoá Xanh sẽ là động lực tăng trưởng chính của MWG trong thời gian tới. Dù vậy, luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, Bách Hóa Xanh còn lỗ gần 8.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của năm 2024 còn hơn 98 tỷ.
Đối với MSN, hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng với MCH và WCM tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh sức mua đi ngang. MCH dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng nhờ liên tục phát triển sản phẩm ở các ngành hàng mới và đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp lợi nhuận chính cho toàn công ty.
Động lực tăng trưởng trong tương lai là WCM sau giai đoạn tái cơ cấu đã đem lại những tín hiệu tích cực, ban lãnh đạo cho biết mục tiêu chuỗi sẽ có lãi sau thuế vào quý 1/2025. Tuy nhiên cổ phiếu MSN còn bị tác động bởi những thông tin khác như thoái vốn và IPO các công ty con, các thương vụ đầu tư của khối ngoại,…