Doanh nghiệp Da giày muốn được hỗ trợ mua vaccine cho người lao động
Hiệp hội Da Giày Túi xách kiến nghị Chính phủ ưu tiên cấp bách tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch, đồng thời cho phép doanh nghiệp đóng góp tài chính để được mua vaccine…
Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ mua/tiêm vaccine Covid-19.
Hiệp hội này cho rằng, từ thực tế của diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp vừa qua, ngành Da Giày Túi xách Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, do đặc thù của việc sử dụng khá nhiều lao động trong các nhà máy và tại các khu công nghiệp tập trung.
Tổng lượng lao động của ngành chiếm khoảng 1,5 triệu công nhân, trong đó mỗi nhà máy sử dụng từ vài nghìn đến vài chục nghìn lao động. Với mật độ đông như vậy, việc đảm bảo an toàn để phòng chống dịch là cực kỳ rủi ro.
“Nếu đối với doanh nghiệp trong ngành Da giày chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 – 21 ngày thì khách hàng sẽ rút hết đơn hàng, dẫn đến doanh nghiệp sẽ phá sản, một lượng lớn lao động trong ngành mất việc làm. Đồng thời, Nhà nước sẽ phải chịu gánh nặng chi phí cho việc dập dịch dẫn đến thiệt hại của toàn xã hội là vô cùng lớn”, hiệp hội này cho biết.
Bên cạnh đó, hiện một số nước láng giềng của Việt Nam như Campuchia, Malaysia, Chính phủ đã thực hiện ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp nhiều lao động.
Với thực trạng trên, Hiệp hội Da Giày Túi xách kiến nghị Chính phủ ưu tiên cấp bách tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đóng góp tài chính để được mua vaccine tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hóa, cũng như tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp để mang nguồn cung vaccine về cho Việt Nam trên cơ chế cùng tham gia đóng góp tài chính.
Hiệp hội Da Giày Túi xách cho biết, năm 2020 và quý 1/2021 nhờ sự đảm bảo kiểm soát dịch tốt so với các nước trong khu vực, mặc dù các nhãn hàng đều cắt giảm 30 – 35% tổng đơn hàng toàn cầu, song họ đã dịch chuyển các đơn hàng từ Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc…về Việt Nam để sản xuất.
Do vậy, năm 2020 toàn ngành đạt kim ngạch 19,8 tỷ USD, chỉ giảm 10% trong khi toàn cầu suy giảm tới 22%. Bước sang năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tăng đều đặn 10%/tháng so với năm trước.
Trước hiệp hội này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có động thái tương tự kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ mua vaccine Covid-19.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp dệt may đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.