Doanh nghiệp đề xuất giải pháp khơi thông dòng vốn FDI vào Việt Nam
Trước thềm Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025 và Chương trình Rồng Vàng lần thứ 24, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, đã có buổi gặp gỡ, trao đổi và làm việc với đoàn lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tiêu biểu tại Việt Nam, cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và lãnh đạo một số địa phương vào sáng ngày 23/4/2025...

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang khẳng định trong thời gian qua, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Riêng trong năm 2024 vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đã đạt gần 38,23 tỷ USD.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (bao gồm cả dầu thô) ước đạt gần 290,8 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023, đóng góp ấn tượng với 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khu vực FDI cũng chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
DOANH NGHIỆP FDI VẪN PHẢI ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU THÁCH THỨC
Mặc dù thời gian qua đã có nhiều hoạt động nổi bật và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, song tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều doanh nghiệp FDI tiêu biểu đang hoạt động tại Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ về những thách thức thực tế mà họ đang đối mặt.
Các khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ môi trường đầu tư trong nước mà còn bị tác động mạnh bởi những biến động trên thương trường quốc tế, đặc biệt là các chính sách thuế quan mới từ Mỹ - yếu tố đang tạo ra làn sóng điều chỉnh thương mại toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực.

Cụ thể, trong ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, đang đối diện với nhiều áp lực nghiêm trọng. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 đạt 16,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, những biến động từ chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI sang thị trường này trở nên thiếu ổn định.
“Nhiều đơn hàng lớn đã bị trì hoãn hoặc tạm dừng, gây ảnh hưởng dây chuyền đến việc làm của người lao động, sự ổn định của thị trường và niềm tin của các đối tác quốc tế đối với ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang cho hay.
Không chỉ chịu bởi tác động của chính sách mới của Mỹ, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam cũng đã và đang gặp phải những khó khăn khi triển khai các hoạt động đầu tư của mình tại Việt Nam.
Trong đó, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, cho rằng mặc dù Việt Nam là điểm đến tiềm năng, nhiều nhà đầu tư vẫn gặp trở ngại bởi các thủ tục hành chính còn rườm rà và thiếu minh bạch. Những bất cập trong Luật Đất đai, như tính thiếu ổn định và không rõ ràng trong quyền sử dụng và chuyển nhượng đất, đang là rào cản lớn đối với các dự án dài hạn.

“Ngoài ra, các quy định mới về bảo mật dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và công nghệ, cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi triển khai kế hoạch đầu tư”, ông Seck Yee Chung cho hay.
Thách thức không dừng lại ở đó. Ngay cả trong lĩnh vực bán lẻ, một ngành đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn thực tiễn. Cụ thể, ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, bày tỏ một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là việc tiếp cận đất đai, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi quy hoạch tổng thể chưa rõ ràng và đồng bộ. Bên cạnh đó, thủ tục xin cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ vẫn còn nhiều bước phức tạp và kéo dài thời gian.
“Hiện nay, các nhà đầu tư FDI phải bỏ ra hàng chục triệu USD để phát triển dự án tại Việt Nam, nhưng lại không biết chính xác khi nào sẽ được cấp giấy phép kinh doanh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và hiệu quả triển khai của doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Langlet nhấn mạnh.
KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH TẠO ĐIỀU KIỆN HÚT DÒNG VỐN FDI TRONG BỐI CẢNH MỚI
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, cuộc họp đã trở thành diễn đàn quan trọng không chỉ lắng nghe và ghi nhận những đề xuất thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp FDI nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện tại, mà còn hướng tới việc kiến tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định và bền vững hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, đã đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo ông, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp giữ chân và hỗ trợ người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề dễ bị tổn thương.
Song song đó là việc tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đại diện Ngân hàng UOB Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
“Đặc biệt, Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như: xây dựng thương hiệu và sản phẩm mang bản sắc Việt; phát triển ngành máy móc - thiết bị, phần mềm, điện tử tiêu dùng, cũng như các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và ESG”, ông Victor Ngo gợi ý.

Bổ sung góc nhìn từ lĩnh vực hàng không, bà Hoàng Truy Mai, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam, cũng nhấn mạnh để gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục thể chế hóa định hướng phát triển bền vững, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng ngành hàng không, nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng trong tương lai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thống nhất đề xuất Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó là sự chú trọng trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và logistics - những lĩnh vực đang định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu.
Bổ sung thêm về gợi ý chiến lược, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, cũng đã đề xuất một số định hướng dài hạn cho Việt Nam
Trước hết, Việt Nam cần xác định rõ trong thập kỷ tới mình mong muốn thu hút loại hình nhà đầu tư nào: là nhà đầu tư mang lại dòng vốn FDI lớn nhất hay là nhà đầu tư tạo ra giá trị cao nhất cho nền kinh tế quốc gia? Ông cũng cho rằng Việt Nam nên khuyến khích các nhà đầu tư phát triển chuỗi cung ứng dựa trên nguyên vật liệu trong nước, từ đó nâng cao giá trị gia tăng nội địa.
Tiếp theo, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết, để tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, Việt Nam cần đầu tư phát triển các trung tâm dữ liệu (data centers) để đáp ứng xu thế chuyển đổi số. Cuối cùng, ông Jaspaert mạnh Việt Nam cần có rõ ràng và minh bạch hơn trong khung pháp lý, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.

Sau khi tiếp nhận các ý kiến và đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp FDI tại buổi làm việc, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, đã khái quát lại năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, bao gồm: cải cách hành chính và thể chế; xử lý các quy định pháp luật còn chồng chéo; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chính sách điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi về thuế và môi trường kinh doanh toàn cầu.
“Chúng tôi ghi nhận để xây dựng chính sách và có thể khẳng định rằng Việt Nam đang tiếp cận với cách làm mới, phù hợp hơn với bối cảnh phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, ông Trần Lưu Quang khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển bền vững của nền kinh tế cần sự phối hợp hai chiều. Vì vậy, ông kêu gọi các doanh nghiệp FDI tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái kinh tế vững mạnh và gắn kết.