Doanh nghiệp số Việt ra nước ngoài: Câu chuyện của những “cánh chim đầu đàn”
23 năm trước FPT đã có một ước mơ đi ra biển lớn để ghi tên Việt Nam vào bản đồ số thế giới, nhưng hai năm trời không ký được một hợp đồng nào, ngân sách cho việc đi nước ngoài cũng đã hết, nhiều người trong FPT đã hoảng sợ và định buông bỏ. Còn Viettel, năm 2006, sau 6 năm tham gia vào thị trường viễn thông (VoIP) và 2 năm tham gia vào viễn thông di động, cũng đã có những bước đi mò mẫm ban đầu đầy gian nan...
Những chi tiết sinh động, như những lát cắt trong câu chuyện đi ra nước ngoài của hai doanh nghiệp công nghệ viễn thông được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay – Viettel và FPT - được hai vị Chủ tịch Tào Đức Thắng và Trương Gia Bình chia sẻ trong một sự kiện mang tính mở đường cho doanh nghiệp số Việt Nam đi ra nước ngoài, do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng.
NIỀM TIN "VIỆT NAM CŨNG SẼ LÀM ĐƯỢC"
Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình, kể tháng 1/2000 FPT mở hai văn phòng đầu tiên ở nước ngoài, một là Bangalore – thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Silicon Valley của Mỹ. “Nhưng giống như chú chim nhỏ bay ra biển lớn như thước phim mà Bộ trưởng Hùng vừa cho xem, FPT không kiếm được miếng mồi nào cả. Hai năm trời FPT không ký được một hợp đồng nào. Chúng tôi lúc đó có 34 kỹ sư phần mềm và nhiều người trong FPT đã hoảng sợ và định buông bỏ”, ông Bình nói giữa khán phòng trước sự chăm chú dõi theo của hàng trăm doanh nghiệp số, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiền hết nhưng còn một niềm tin: người Ấn Độ làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Ông Bình tin vậy và đã nói chuyện với một người được xem là huyền thoại phần mềm Ấn Độ, rồi hỏi vị này: “Ông nghĩ Việt Nam có làm được không?”. “Ông ấy dắt tôi đi xem trung tâm phần mềm lớn nhất thế giới (theo nghĩa đông nhất) và khẳng định Việt Nam chắc chắn làm được phần mềm”, ông Bình nói, và từ lời động viên nho nhỏ đó FPT tiếp tục giữ vững ý chí, tiếp tục đi toàn cầu hóa.
Dù vậy “người FPT” khi đó đã không bán được hàng. Sau đó đã thuê một người Mỹ, nhưng cũng không bán được hàng. “Không bán được cách này thì bán bằng cách khác”, vị Chủ tịch FPT quả quyết – bằng cách cứ một tháng ông Bình dành 1/2 - 1/3 thời gian ở nước ngoài và cố gắng gặp vài chục công ty trong một tháng. “Mình cứ làm loạn lên, may ra thì được. Nhưng rồi cũng không được”, và ông Bình lại nghĩ cách khác, là gặp IBM và nói “nếu ông mua một USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của ông. Và lần đầu tiên FPT có hợp đồng ký với IBM dù rất nhỏ nhưng nó động viên tôi: IBM mà mua được thì cớ gì các công ty khác không mua được”.
“Trên chiếc xe ô tô như cả thế giới công nghệ thông tin vậy. Điều đặc biệt, người Việt có những tiến sỹ rất nổi tiếng, rất giỏi, đứng đầu trong các lĩnh vực power electrics, FPT đã tập hợp những tiến sỹ danh giá đó để chế ra các bộ phận then chốt trên chiếc ô tô, ví dụ như bộ phận sạc điện, làm sao sạc điện với dung lượng rất lớn tốc độ rất nhanh. Hy vọng 6 tháng nữa sản phẩm của chúng tôi sẽ ra đời”.
Một lần khác khi đến Nhật Bản, quốc gia mà khi FPT nghiên cứu về Ấn Độ nhiều năm, đã thấy người ta (Ấn Độ) không tài nào phát triển được ở thị trường Nhật Bản. “Khi tôi sang Nhật Bản, người ta nói với tôi: “Chúng tôi (đối tác người Nhật) không nói được tiếng Anh, do vậy muốn làm phần mềm với ông, chúng tôi phải học tiếng Anh, sau này học xong sẽ làm việc với các ông”. Câu nói này có nghĩa là “không”, ông Bình kể, nhưng ông hiểu ngược lại, nếu nói tiếng Nhật thì sẽ làm việc được ngay với người ta. Và việc học tiếng Nhật sẽ mở cơ hội cho FPT ở thị trường Nhật.
“Vậy là vì thị trường Nhật, vì tiếng Nhật mà FPT đã xin Chính phủ cho thành lập Đại học FPT - trường đại học đầu tiên dạy các kỹ sư phần mềm nói tiếng Nhật, và trở thành trung tâm đào tạo tiếng Nhật lớn nhất thế giới ngoài Nhật Bản”, ông Bình tiếp tục kể. Những năm đầu, thị trường của FPT tại Nhật Bản tăng trưởng rất nhanh, 200%, rồi 70-80%, tốc độ cứ chậm dần chậm dần, khi doanh số càng to thì tốc độ tăng trưởng càng chậm và năng suất lao động thì không thay đổi. Điều đó cũng có nghĩa FPT cần phải thay đổi.
Đó là câu chuyện của FPT. Còn với “cánh chim đầu đàn” Viettel, khi tiến ra thị trường nước ngoài giữa thời điểm nhà mạng này đang tưng bừng và phát triển như vũ bão với thị trường viễn thông di động ở trong nước, thì câu chuyện lại không như vậy. Để học hỏi, để cạnh tranh với những “ông lớn” trên thế giới và để có thị trường rộng lớn hơn, năm 2010, ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), đã quyết định chọn những nước nghèo, thậm chí thuộc diện nghèo nhất thế giới, để đầu tư là vì “những nơi dễ thì không còn nữa”. Trong lĩnh vực viễn thông, các công ty đã đi đầu tư được hơn 20 chục năm nên còn lại chỉ là những nơi khó và nhiều rủi ro, nhưng theo ông Hùng, dịch vụ viễn thông là thiết yếu, như cơm như gạo, vì thế đất nước nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc, và vì thế Viettel đã đặt chân đến.
Chủ tịch đương nhiệm của Viettel, ông Tào Đức Thắng, cho biết sau khi Viettel tham gia vào lĩnh vực viễn thông từ những năm 2000 với dịch vụ VoIP và 2004 tham gia thị trường di động, nhưng chỉ hai năm sau, Viettel xác định thị trường Việt Nam tuy rộng lớn lên tới trăm triệu dân nhưng để phát triển bền vững lâu dài thì cần tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn nữa, vì vậy năm 2006 Viettel bắt đầu đi ra thị trường nước ngoài, đầu tiên là Campuchia.
“Đi ra nước ngoài cơ hội lớn nhưng cũng phải sẵn sàng đón nhận rất nhiều thách thức và rủi ro, bởi mỗi nước đều có những thể chế chính trị, văn hóa, ngôn ngữ và ẩm thực khác nhau. Thậm chí một số thị trường Viettel đầu tư ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự ổn định về chính trị. Thêm nữa là rủi ro về tỷ giá. Đứng trước hàng loạt thách thức và rủi ro như vậy, đứng giữa một không gian hoang mạc rộng lớn ở châu Phi toàn đất đỏ trong những buổi khảo sát thực địa, thực sự nếu không có khát vọng đi ra nước ngoài, không có khát vọng chinh phục thị trường quốc tế, thì khó có thể vượt qua được”, ông Tào Đức Thắng nói.
QUẢ NGỌT VÀ BÀI HỌC ĐI "MỞ CÕI"
Theo Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng, sau 3 năm nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác, xin giấy phép, xây dựng hạ tầng mạng lưới, tháng 2/2008 Viettel chính thức khai trương thị trường tại Campuchia với thương hiệu Metfone và cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên. Khi đó Campuchia có 6 nhà khai thác, tuy nhiên chỉ 2 năm sau Metfone đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần. Đồng thời, năm 2009, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Lào (thương hiệu Unitel).
Với khát vọng lớn, liên tục các năm tiếp theo, 2011 Viettel khai trương dịch vụ tại Haiti (thương hiệu Natcom) - thời điểm quốc gia này vừa trải qua một vụ động đất lớn, gần như cả thủ đô của Haiti sụp đổ và chỉ có sự khó khăn, đói nghèo bao trùm, nhưng Viettel rất quyết tâm cùng người dân và công ty bản địa xây dựng lại mạng lưới để phục vụ người dân Haiti. Năm sau, 2012, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Mozambique (thương hiệu Movitel). Với các thị trường trên Viettel đánh dấu chính thức tham gia vào thị trường lục địa đen.
"Đến nay, doanh thu dịch vụ khối nước ngoài lần đầu tiên đạt gần 3 tỷ USD, góp phần cùng thị trường trong nước lấy đà tăng trưởng với viễn thông là trên 10%/năm trong bối cảnh các nước trên thế giới khó khăn trong dịch bệnh Covid nhưng Viettel ở thị trường nước ngoài vẫn giữ được đà tăng trưởng. Các thị trường nước ngoài cũng là bàn đạp để Viettel đưa các công nghệ, trang thiết bị, công nghệ số của người Việt Nam ra thế giới".
Sau đó là thị trường Đông Timor ở châu Á năm 2014 và 2015 là thị trường Cameroon và Tanzania tại châu Phi. Thị trường Peru được Viettel khai trương năm 2014 cũng là lần đầu tiên tập đoàn này đầu tư tại một nước giàu có hơn Việt Nam, và cuối cùng là thị trường Myanmar năm 2018.
Theo ông Tào Đức Thắng, suốt chặng đường 17 năm đầu tư ra nước ngoài nhưng thực tế chỉ khoảng 10 năm (2008-2018) Viettel đã mở được 10 thị trường, chưa kể các văn phòng đại diện tại Mỹ, châu Âu (Pháp), Nga, Nhật…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam