Doanh nghiệp tại Bắc Giang “khát” lao động dịp đầu năm
Bắc Giang có 7.636 doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 là trên 100.000 người...
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang vừa có buổi làm việc về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trong quý I/2024.
Theo Sở Lao động thương binh xã hội Bắc Giang, Bắc Giang có 7.636 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 306.200 lao động; lao động làm việc trong các khu công nghiệp khoảng 190.360 người. Qua thống kê cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 là trên 100.000 lao động.
Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong năm 2024 như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải cần tuyển khoảng 27.000 lao động; Công ty Luxshare – ICT cần tuyển gần 47.000 lao động; Công ty TNHH New wing Interconnect Technology (Bắc Giang) cần tuyển khoảng 27.000 lao động; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam cần tuyển 12.000 lao động; Công ty TNHH Seojin Việt Nam cần tuyển 1.200 lao động; Công ty TNHH Ce Link Việt Nam cần tuyển 900 lao động…
Đại diện các doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong năm cho biết, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thông tin trên phương diện trực tuyến và trực tiếp trên các nền tảng xã hội; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trong công tác tuyên truyền và tuyển dụng lao động tại địa phương; ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực… Tuy nhiên, tiến độ tuyển dụng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do nhu cầu tuyển dụng lao động thường vào cùng khoảng thời gian đầu năm và giữa năm nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh nên dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng.
Lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ phải về quê xin đóng dấu của địa phương trong tài liệu sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận dân sự, ảnh hưởng đến tiến độ tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhận thức, tác phong công nghiệp của lao động ngoại tỉnh, đặc biệt lao động đến từ vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, thiếu tính ổn định. Lao động ngoại tỉnh đến các khu công nghiệp trong tỉnh còn khó khăn trong việc tìm nhà trọ ổn định chỗ ở…
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, hiện doanh nghiệp chưa có nhiều giải pháp để giữ chân lao động khi tuyển dụng. Một số doanh nghiệp sản xuất có tính thời vụ, có sự đào thải lao động khi thu hẹp sản xuất. Mặt khác, không ít doanh nghiệp khi tuyển dụng còn giới hạn về độ tuổi, giới tính nên khó khăn cho bên cung ứng tuyển dụng.
Trước thực trạng nêu trên, đại diện một số doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng của Bắc Giang tiếp tục quan tâm, hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, cho doanh nghiệp sử dụng thiết bị quét thông tin từ thẻ căn cước công dân khi tìm hiểu thông tin tuyển dụng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tuyên truyền, thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động ở ngoại tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh truyền thông tuyển dụng lao động chất lượng cao; mở thêm các khoa ngoại ngữ tại các trường Cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh…