Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có vị thế tốt hơn trong các vụ kiện chống bán phá giá nếu Việt Nam được coi là nền kinh tế thị trường
Phân tích của công ty chứng khoán BSC đánh giá việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động tích cực trong dài hạn hơn là ngắn hạn. Ảnh hưởng sẽ rất tích cực đối với xuất khẩu cũng như các rủi ro điều tra chống bán phá giá...
Trong hai thập kỷ qua, Washington đã nhiều lần áp đặt thuế chông bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm của Việt Nam. Vào ngày 08/09/2023, Chính phủ Việt Nam đã chính thức yêu cầu DOC xem xét công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Ngày 08/05/2024, DOC đã tổ chức phiên điều trần để xem xét hồ sơ, và quy trình điều tra này, tính từ ngày đề xuât chính thức tới ngày đưa ra quyết định là 270 ngày, dự kiến, ngày 26/07/2024, DOC sẽ chính thức có kết luận cuối cùng.
Tại Mỹ, cũng có những tổ chức ủng hộ Việt Nam, có thể kể đến như là Liên đoàn bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam). Rõ ràng, đây là điểm cộng lớn cho Việt Nam, có thể làm thay đổi quan điểm về những người đang phản đối việt công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng chứng kiến không ít các luồng ý kiến trái chiều. Ví dụ như các nhà sản xuất thép và các tập đoàn nông nghiệp của Mỹ như Hiệp hội chế biến tôm Mỹ (ASPA) bày tỏ quan ngại về tác động tiềm ẩn đối với các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ.
Những nỗ lực gần đây của Tổng thống Hoa Kỳ - Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam bằng việc thúc đẩy các bên liên quan tại Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường gặp không ít những khó khăn.
Lo ngại hầu hết đến từ việc người Mỹ e ngại rằng hàng Trung Quốc sẽ đến Mỹ thông qua Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất của người Mỹ. Bên cạnh đó, một trong những tổ chức lớn mạnh nhất của Mỹ đó là những nhà sản xuất thép cũng lên tiếng phản đối. Cần nhớ rằng, đơn vị này đóng một vai trò quan trọng trong bỏ phiếu tổng thống Mỹ, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Theo đánh giá của BSC, nếu thành công, ở tương lai gần, các gã khổng lồ đã và đang đầu tư ở Việt Nam có thể mở rộng khoản đầu tư của họ hơn nữa như: Intel, Cargill, Nike, AES, Murphy Oil, First Solar, Boing và Apple (Mỹ) hay Samsung (Hàn Quốc).
Ở tương lai xa có thể là Châu Âu. Mặc dù đã có những ký kết thông qua hiệp định thương mại tự do từ năm 2015, nhưng ngay thời điểm đó, người đại diện của phía EU cũng nhấn mạnh rằng, thông qua các hiệp định thương mại tự do không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam như một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Tóm lại, việc được công nhận nền kinh tế thị trường giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải thiện năng suất lao động, tránh được bẫy thu nhập trung bình và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Trong trường hợp Hoa Kỳ tổ chức điều tra chống bán phá giá với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ 3 (được coi là nền kinh tế thị trường) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu thực. Điều này khiến con số được tính toán ra có thể có biên độ phá giá lớn, khiến mức thuế chống bán phá giá Việt Nam phải chịu cao hơn.
Nếu trong tháng 7 năm nay Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì trong trường hợp bị điều tra, Hoa Kỳ sẽ lấy chính giá sản xuất của Việt Nam, phần nào phản ánh chính xác nền kinh tế trong nước hơn.
Ảnh hưởng tích cực đối với xuất khẩu. Hiện tại Hoa Kỳ là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng ~30%. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai, giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường này.
Ảnh hưởng tích cực đối với tỷ giá. Xuất khẩu tăng góp phần làm tăng giá trị đồng nội tệ, đồng thời giúp SBV có thêm dư địa để sử dụng các biện pháp ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Ảnh hưởng tích cực đối với dòng vốn FDI. Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều là doanh nghiệp FDI (tính đến tháng 12/2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 355 tỷ USD chiếm hơn 73% tổng giá trị xuất khẩu). Việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế chống bán phá giá sẽ tạo ra một sân chơi an toàn, lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, điều này cũng sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam hơn nữa.