Doanh số bán hàng “miễn dịch” với suy thoái kinh tế
Vừa qua, hãng thời trang Đức Hugo Boss đã nâng mục tiêu doanh số bán hàng vào năm 2025, đặt cược vào nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường của mình khi hãng này tỏ ra “miễn dịch” với tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ...
Các công ty hàng tiêu dùng và xa xỉ hàng đầu thế giới bắt đầu với năm 2023 một cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn những lo ngại về tăng trưởng của Hoa Kỳ và khả năng phục hồi của Trung Quốc hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Hugo Boss mới đây đặt mục tiêu doanh thu hàng năm là 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD) vào năm 2025, so với mục tiêu trước đó là 4 tỷ euro mà công ty dự kiến sẽ đạt được trong năm nay.
Hugo Boss đã trải qua một cuộc cải tổ thương hiệu dưới sự lãnh đạo của cựu giám đốc Tommy Hilfiger, Daniel Grieder, đầu tư vào hoạt động tiếp thị để thúc đẩy doanh số bán hàng và mở rộng thị phần. Hugo Boss cũng đặt mục tiêu lợi nhuận hoạt động (EBIT) là 600 triệu euro vào năm 2025, tăng so với mục tiêu trước đó là khoảng 480 triệu và tỷ suất EBIT ít nhất là 12% so với dự báo trước đó là khoảng 12%.
Theo Business of Fashion, thương hiệu đang thu hút được người tiêu dùng trẻ tuổi nhờ các chiến dịch truyền thông xã hội được nhắm mục tiêu, cho biết họ sẽ duy trì chi tiêu tiếp thị ở mức 7% đến 8% doanh số bán hàng của nhóm cho đến năm 2025. Daniel Grieder cho biết, ông vẫn thấy tốc độ tăng trưởng "đầy hứa hẹn".
Tại Hoa Kỳ, thực tế cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang suy yếu nhưng các thương hiệu xa xỉ hầu như không bị ảnh hưởng. Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Mặc dù sự suy thoái có thể thấy rõ trong môi trường tiêu dùng ở Mỹ và ở mức độ thấp hơn ở châu Âu, Hugo Boss dường như vẫn miễn nhiễm cho đến nay”.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hugo Boss dự kiến doanh thu sẽ tăng với tỷ lệ phần trăm thấp ở mức hai con số hàng năm từ năm 2022 đến năm 2025 và đặt mục tiêu tăng thị phần bán hàng của khu vực từ mức 13% hiện tại lên khoảng 20%, tương đương 1 tỷ euro, vào năm 2025. "Việc giải phóng toàn bộ tiềm năng của các thương hiệu ở Trung Quốc sẽ tiếp tục có tầm quan trọng đặc biệt", nhóm Hugo Boss khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Trong báo cáo công bố 2 năm/lần, Bain & Company mới đây đã nâng dự báo doanh thu hàng năm của thị trường hàng xa xỉ trên toàn cầu, từ quần áo, phụ kiện đến sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, lên 5 - 12% trong năm nay, so với mức dự báo 3 - 8% đưa ra trước đó. Nhiều thương hiệu do đó đang thay đổi chiến lược bán hàng hoặc thúc đẩy quảng bá các sản phẩm cao cấp để hướng đến nhóm khách hàng giàu có nhất, những người được cho là không bị ảnh hưởng bởi những "cơn gió ngược" của kinh tế. Thực tế cho thấy những khách hàng trẻ tuổi hơn bị tác động bởi tình trạng tăng giá hàng hóa nhiều hơn so với những khách hàng lớn tuổi có thu nhập cao.
Sở hữu hai nhãn hiệu thời trang được đánh giá cao như Hugo và Boss vừa là lợi thế cũng như thách thức lớn với ông lớn ngành thời trang này, nhất là trong bối cảnh thị trường và khách hàng không ngừng biến chuyển. Điều này khiến trọng tâm của chiến lược kinh doanh được đưa ra dựa trên quan điểm mới: mọi sự thay đổi luôn là cần thiết và phải thật nhanh chóng. Không thể phủ nhận một phần lớn trong số đó được đóng góp từ những sản phẩm truyền thống gắn với tên tuổi của Hugo Boss như những bộ suits cao cấp được may tỉ mỉ, công phu dành cho những quý ông thành đạt.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm mới với công nghệ và tư duy thiết kế hiện đại cũng đang đóng góp tích cực cho bức tranh chung của thương hiệu thêm phần sáng sủa. Đó là những bộ suit có thể bỏ vào máy giặt hay ứng dụng vật liệu tiên tiến vào đồ thể thao chơi golf. Với hơn 14.000 nhân viên đam mê thời trang ở tất các các bộ phận, công ty tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là may mặc cao cấp với tham vọng nắm chắc phân khúc khách hàng của riêng mình trên thị trường thời trang.
"Chúng tôi đề ra mục tiêu cao cho những năm kế tiếp và muốn phát triển nhanh hơn thị trường, đồng thời kỳ vọng rằng lợi nhuận sẽ tăng trưởng với tốc độ vượt trội hơn so với tổng doanh số", ông Daniel Grieder cho biết và nói thêm: "Mục tiêu chung của chúng tôi là trở thành thương hiệu thời trang và phong cách sống cao cấp được khao khát nhất trên toàn cầu".
Trong một bài phỏng vấn gần đây trên Business of Fashion, đại diện thương hiệu đã chia sẻ rằng ông muốn những giá trị này phải được "tích hợp" vào cội rễ của từng hoạt động, từng thành viên của Hugo Boss chứ không chỉ là một chiến thuật kinh doanh nhất thời. Mới đây, hãng đã thành công khi ra mắt dòng giày sneakers sử dụng vật liệu bền vững được gọi là Piñatex, có nguồn gốc từ lá dứa hay tuyên bố về việc sử dụng ít nhất 60% vật liệu tái chế trong tất cả các miếng đệm lót trong trang phục và phụ kiện của hãng.
Ở một khía cạnh khác, thương hiệu trẻ trung Hugo tận dụng những lợi thế của nền tảng kỹ thuật số để thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận với thị trường. Theo đó, toàn bộ các bộ sưu tập của hãng được phát triển hoàn toàn bằng ứng dụng kỹ thuật số (nay đã trải qua 4 phiên bản cập nhật). Những thay đổi này giúp chúng tôi phát triển một bộ sưu tập chỉ trong chưa đầy 12 tháng và sản phẩm vật lý đầu tiên mà chúng tôi tạo ra cũng chính là sản phẩm mà chúng tôi bán tại cửa hàng. “Cho tới trước thời điểm đó, tất cả đều được triển khai trên máy tính", đại diện thương hiệu nói.
Dựa trên ưu thế về hệ thống bán lẻ toàn cầu và kinh nghiệm "made-to-measure" lão luyện, Hugo Boss cũng cho phép khách hàng được cá nhân hoá các sản phẩm theo bất kỳ mong muốn và yêu cầu nào. Khách hàng có thể "ký tên" trong từng chi tiết nhỏ nhất của bộ trang phục như lớp lót trang phục, chất liệu của khuy măng séc cho tới họa tiết của khăn cài áo. Những bước đi này đã giúp ông lớn ngành thời trang tự tin vào mục tiêu tài chính sắp tới.