Đơn hàng tăng, xuất khẩu thủy sản vẫn khó cán đích

Chu Khôi
Chia sẻ

Mục tiêu xuất khẩu 8,5 - 8,8 tỷ USD trong năm 2021 của ngành thủy sản có nguy cơ không đạt được, bởi đến nay, số lượng các đơn hàng xuất khẩu đã tăng 10 - 20% so với năm 2020 nhưng chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách...

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trong tháng 8/2021.
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trong tháng 8/2021.

Trải qua hai tháng giãn cách xã hội và phương thức sản xuất ba tại chỗ, hoạt động của ngành thủy sản trong đó có xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả, trong tháng 8/2021, xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 588 triệu USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường trong tháng 8/2021 đều giảm từ 16–50% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Trung Quốc và Nhật Bản cùng giảm mạnh 36%; EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%); Anh giảm 48%; Australia và Canada giảm 35% và 37%; Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%.

XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG ÂM TRONG THÁNG TÁM

Nếu so với tháng 7/2021 (tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), thì tháng 8/2021 xuất khẩu giảm 31%. Trong đó, tôm giảm mạnh nhất với 36%, cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%...

Về hoạt động của doanh nghiệp, do dịch Covid -19 bùng phát mạnh, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 đã giảm hơn 100 đơn vị so với tháng 7/2021 và so với cùng kỳ 2020 giảm hơn 150 đơn vị.

Tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng qua
Tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng qua

Luỹ kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỷ USD, cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, cá ngừ tăng 12%, mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%. Kết quả này có được là nhờ xuất khẩu của 7 tháng trước đó tăng cao.

Trong 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng 52%; tiếp đến là Mỹ tăng gần 27%; Australia tăng 25%; EU tăng 10%; Hàn Quốc tương đương cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 14,6%, Nhật Bản giảm gần 3%.

Sau một thời gian dài giãn cách, nhiều doanh nghiệp cho biết sức chịu đựng của họ đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9/2021. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

Thời điểm này, các doanh nghiệp chế biến và nông dân nuôi trồng trong ngành thủy sản đang hy vọng với Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ, ngành thuỷ sản sẽ có điều kiện để nối lại chuỗi cung ứng và hồi phục dần sản xuất. Tất cả đều chung kỳ vọng sẽ tăng tốc trở lại vào ba tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 – thời điểm nhu cầu và đơn hàng xuất khẩu thường tăng cao.

CẦU TĂNG CAO, DOANH NGHIỆP KHÓ ĐÁP ỨNG

Ông Bùi Bá Sự, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt - Úc, nhận định các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu thủy sản, cụ thể là tôm cũng tăng cao. Nếu TP.HCM sớm nới lỏng giãn cách vào nửa cuối tháng 9 này, thì đây là tín hiệu đáng mừng vì các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là miền Tây có thể sẽ mở cửa theo để đồng bộ. Điều này sẽ giúp các nhà máy sớm khôi phục sản lượng, thông suốt trong cả tiêu thụ lẫn thu mua đầu vào.

Theo khảo sát của VASEP, đến nay số lượng các đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã tăng 10 - 20% so với năm 2020 do các thị trường trên thế giới đều đã khôi phục lại. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên thế giới trong quý cuối năm sẽ tăng cao, đặc biệt để phục vụ tiêu dùng trong các kỳ nghỉ lễ lớn như Giáng sinh, Tết dương lịch…

Mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản cả năm 2021 là đạt 8,5 - 8,8 tỷ USD, như vậy, trong bốn tháng cuối năm, ngành thủy sản cần phải đem về 3 tỷ USD. Tuy nhiên, dự tính của VASEP cho thấy hiện chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Số doanh nghiệp còn lại đang rất khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đang lên kế hoạch đồng hành cùng các doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Điển hình như tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra các giải pháp duy trì sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thuỷ sản trong ba tháng cuối năm.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng sẽ phối hợp với địa phương rà soát lại diện tích, sản lượng tôm, chủ động tổ chức thúc đẩy liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm giữa các doanh nghiệp và các chợ đầu mối với các tổ hợp tác, hợp tác xã và người nuôi tôm trên địa bàn.

Đồng thời kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ xem xét bình ổn giá thức ăn nuôi tôm, hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể giảm khoảng 30% trong vòng một năm kể từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 và bố trí các chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng thủy sản để phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

 
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú:.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú:.
Minh Phú có khách hàng ở hơn 50 quốc gia, doanh thu xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Hiện tại nhiều khách hàng trên khắp thế giới đang yêu cầu Minh Phú cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp bán trong dịp Noel. Trong trường hợp không giao được hàng, họ sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Nếu để mất khách hàng, mất thị trường thì phải tới 3-5 năm nữa mới có thể khôi phục lại, thậm chí là mất luôn mà không khôi phục lại được.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 94,5% công nhân của công ty được tiêm vaccine mũi 1, đồng thời cũng đã thực hiện “xanh” nhà máy sản xuất và được chính quyền địa phương phê duyệt phương án phòng, chống dịch và sản xuất. Minh Phú hy vọng Chính phủ và lãnh đạo địa phương nhanh chóng kết thúc giãn cách xã hội để không những giúp các doanh nghiệp được tái sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” mà còn cứu công nhân và bà con nuôi tôm ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu
 
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre.
Đề nghị Chính phủ có chính sách giảm tiền điện cho doanh nghiệp. Ví dụ, ở Bến Tre, diện tích nuôi tôm công nghệ cao khoảng 1.950 ha, sử dụng điện rất lớn. Ở đây là giảm cho hộ nuôi, có thể thời gian 6 tháng (từ nay đến tháng 3/2022), đề xuất giảm từ 15 - 20%. Kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến về lãi suất ngân hàng với điều kiện các doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết với vùng nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu cũng như tạo điều kiện về tiêu thụ cho người nuôi.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con