Đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải bài toán ùn tắc hàng hoá cửa khẩu

Vũ Khuê
Chia sẻ

Hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng ùn tắc vẫn có thể trở lại nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào...

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp sáng 18/1 nhằm giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp sáng 18/1 nhằm giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.

Báo cáo tại lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu tháng 12/2021, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại tất cả các cửa khẩu, bao gồm cả cảng biển và các cửa khẩu biên giới đất liền.

2.643 XE CÒN TỒN TẠI 2 TỈNH LẠNG SƠN VÀ QUẢNG NINH

Tiến độ thông quan hàng hóa, vì vậy, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc này, kết hợp với nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch, đã gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện trên diện rộng tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Cao điểm ùn tắc xảy ra vào các ngày 24 và 25/12/2021, khi có tới gần 6000 phương tiện chờ xuất khẩu trên địa bàn Lạng Sơn và Móng Cái. Bên kia biên giới cũng tồn đọng hàng ngàn xe chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

Trước tình hình này, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh biên giới đã cùng vào cuộc để xử lý tình trạng ùn tắc. Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới nay đã có sự cải thiện đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ sáng ngày 17/01/2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động.

Tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12/2021. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

“Có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mặc dù các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã liên tục khuyến cáo nhưng xe chở hàng từ tuyến sau vẫn tiếp tục dồn lên cửa khẩu. Tình trạng ùn tắc vẫn có thể trở lại nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, năng lực bốc dỡ của cả 2 bên lại càng ngày càng hạn chế do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn Tết”, ông Chinh nhấn mạnh.

Để tập trung xử lý số lượng phương tiện còn tồn đọng từ nay tới Tết Nguyên đán, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã buộc phải dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả và hàng đông lạnh vào khu vực cửa khẩu từ ngày 17/01/2022 .

Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/1/2022, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Ngoại giao, Tài chính, Y tế và lãnh đạo UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai.

DUY TRÌ VIỆC THÔNG QUAN HÀNG HÓA QUA CỬA KHẨU BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Để thực hiện mục tiêu giải tỏa ùn tắc trước Tết Nguyên đán, ông Chinh kiến nghị Ban chỉ đạo xem xét, thông qua một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy tắc sản xuất, bao gói và vận chuyển an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất - xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây và thủy sản đông lạnh, với mục tiêu là không để nhiễm virus trên bao bì và bản thân hàng hóa.

Bộ Y tế nhanh chóng hướng dẫn các tỉnh biên giới phía Bắc thiết lập các vùng đệm an toàn ("vùng xanh") với tiêu chuẩn, quy trình hài hòa hợp lý với phía Trung Quốc để vừa xây dựng, củng cố lòng tin vào các biện pháp phòng dịch của nhau, vừa tạo điều kiện giảm bớt thời gian thông quan tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh biên giới phía Bắc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý công tác khử khuẩn phương tiện và hàng hóa, nhất là trái cây tươi và thực phẩm đông lạnh; nhanh chóng triển khai các "vùng xanh" theo hướng dẫn của Bộ Y tế để 2 bên cùng yên tâm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan.

Tại cuộc họp ngày 18/01/2022, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm cho Ban chỉ đạo trong thời gian tới là tiếp tục kiên trì giao thiệp với phía đối tác Trung Quốc. Nghiêm túc quán triệt và thực hiện thật tốt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước là phải bảo đảm thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt phải duy trì việc thông quan hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc từ nay đến hết ngày 29 Tết.

Tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, bảo đảm an toàn phòng dịch, tránh thiệt hại cho các bên.

UBND các tỉnh biên giới phía Bắc thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin về thông quan hàng hóa cho các địa phương tuyến sau để các địa phương và thương nhân tuyến sau chủ động điều tiết việc vận chuyển hàng hoá lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đây là việc cần duy trì thường xuyên cho tới khi tình hình thông quan trở lại bình thường.

Đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đề nghị UBND các địa phương vùng trồng, vùng nuôi thủy sản chủ động, tích cực hơn nữa trong điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu này…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai Bộ để chỉ đạo các Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương địa phương duy trì thông tin thông suốt, kịp thời, đặc biệt về mật độ xe tại các cửa khẩu và tình hình thông quan tạo thuận lợi cho công tác điều tiết hàng hóa.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con