Dòng tiền “nghỉ thở” sau phiên kỷ lục, cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh
Thị trường chùng xuống trong phiên sáng nay khi hầu hết các trụ ngân hàng quay đầu giảm, đồng thời thanh khoản cũng sụt mạnh. Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng, một phần nhờ sự hấp dẫn của quy mô giao dịch lập kỷ lục...
Thị trường chùng xuống trong phiên sáng nay khi hầu hết các trụ ngân hàng quay đầu giảm, đồng thời thanh khoản cũng sụt mạnh. Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng, một phần nhờ sự hấp dẫn của quy mô giao dịch lập kỷ lục.
VN-Index trồi sụt quanh tham chiếu cả buổi sáng, mức tăng cao nhất 0,45% nhưng chốt phiên vẫn đang giảm 0,1% tương đương 1,47 điểm. VN30-Index giảm 0,3% với số mã giảm gần gấp đôi số tăng.
Hôm qua VN30 là nhóm duy nhất giữ nhịp cho thị trường khi các mã đầu cơ rơi vào cảnh bán tháo lịch sử. Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tăng mạnh. Sáng nay nhóm này đã lại suy yếu rất nhanh, nhiều cổ phiếu trở thành gánh nặng kéo chỉ số xuống.
Hai mã ngân hàng rơi sâu nhất nhóm blue-chips là VCB giảm 1,52% và TCB giảm 1,49%. TCB yếu khá sớm, còn VCB đến khoảng 30 phút cuối phiên sáng thì lao dốc mạnh. ACB giảm 0.89%, CTG giảm 0,76%, VPB giảm 0,78%. Hiện nhóm này chỉ có BID tăng 1,63%, SHB tăng 2,09% là đáng chú ý.
Mức điều chỉnh của cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn chưa phải là mạnh, nhất là đặt bên cạnh phiên bùng nổ đột biến hôm qua. Phản ứng chốt lời ngắn hạn là bình thường. Tuy vậy những blue-chips ngân hàng thành khoản cao có sức bật kém hơn hẳn so với các mã nhỏ. ABB, VBB, NAB, LPB vẫn tăng giá khá tốt nhờ ít được chú ý. Ngay cả ở nhóm giảm, STB, OCB, MSB cũng điều chỉnh không đáng kể.
Nhóm nổi bật sáng nay là các mã chứng khoán khi tất cả các cổ phiếu trên cả 3 sàn đều tăng, trừ PHS tham chiếu. Có 15 mã nhóm này đang tăng trên 5%, trong đó CTS kịch trần. Các cổ phiếu lớn nhất cũng tăng khá tốt: SSI tăng 3,12%, VCI tăng 4,68%, HCM tăng 4,78%, VND tăng 6,52%, SHS tăng 4,63%...
Đặc biệt dòng tiền chảy vào các mã chứng khoán khá ấn tượng. SSI và VND giữ ngôi đầu về thanh khoản trên HoSE với 858 tỷ và 634 tỷ đồng khớp lệnh. Ngoài ra trong Top 15 thanh khoản hai sàn niêm yết, có thể kể thêm ORS, VCI và SHS.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán hầu hết đang trong một nhịp tăng ngắn hạn khoảng 2 vòng T+3. Nhiều mã lợi nhuận ngắn hạn khá tốt như HCM trong 9 phiên tăng 14,1%, SSI tăng 12,3%, VCI tăng 19,3%, VND tăng 25,9%, BVS tăng 20%, FTS tăng 22%... Việc thanh khoản thị trường lập kỷ lục mới ngày hôm qua càng khuyến khích sự quan tâm tới nhóm này.
Trong khi đó các blue-chips về cơ bản vẫn không có tiến triển gì đặc biệt. Rổ VN30 sáng nay chỉ có 10 mã tăng/19 mã giảm. Ngoài các trụ ngân hàng, còn có thêm VHM giảm 1,21%, VIC giảm 0,42%, NVL giảm 0,67%, VJC giảm 1,31%. Phía tăng chủ đạo có HPG, BID, GVR kéo chỉ số VN-Index.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ vẫn đang cố gắng “hoàn hồn” sau phiên sàn cả loạt hôm qua. VNSmallcap vẫn đang giảm 0,27% với 76 cổ phiếu tăng giá/ 90 cổ phiếu giảm giá. Thực tế nhóm này đã có mức phục hồi khá tốt. Đầu phiên chỉ số đại diện nhóm còn giảm thêm một nhịp tới -1,63% so với tham chiếu sau đó mới hồi dần lên. Điểm tích cực là sau phiên xả khổng lồ hôm qua, sáng nay giao dịch ở smallcap đã chậm lại, thanh khoản chỉ có 3.552 tỷ đồng.
Thanh khoản chung của cả hai sàn niêm yết sáng nay cũng tụt giảm mạnh so với kỷ lục hôm qua. Điều này là hoàn toàn bình thường vì những ai muốn giao dịch nhất đã tham gia phiên trước. Lượng tiền sẵn có cũng đã thiếu hụt trong khi cổ phiếu muốn bán cũng đã vơi đi. Tổng giá trị khớp hai sàn sáng nay đạt 19.524 tỷ đồng, giảm 27%. VN30 khớp giảm 36%, chỉ đạt 5.341 tỷ đồng.
Phiên giao dịch thanh khoản đột biến hôm qua là một bất ngờ vì lượng tiền và cổ phiếu luân chuyển quá cao. Vì vậy thị trường cần một vài phiên nghỉ ngơi để ổn định lại cả cung lẫn cầu. Điều tích cực là thị trường vẫn giữ được độ phân hóa nhẹ và không rơi vào trạng thái lo sợ khi giao dịch đột biến. HoSE sáng nay vẫn có 184 mã tăng/231 mã giảm.
Khối ngoại vẫn mua ròng nhẹ 191 tỷ đồng trên HoSE phiên sáng, chủ yếu do được mua ròng nhiều ở số lượng mã. Mua tốt nhất như HCM cũng chỉ hơn 46 tỷ. VHM, KBC, STB, VCB, GAS, HDB, HPG, VND, SHB, CTG, NVL, PNJ trên 20 tỷ đồng. Phía bán không nhiều, nhưng lại rất lớn ở SSI với 138 tỷ, PAN với 125 tỷ đồng.