Dòng tiền tăng vọt, VN-Index áp sát mốc 1.300 điểm
Sau khoảng 1 giờ đầu tiên ngập ngừng, thị trường đột nhiên nhận được dòng tiền mua mạnh mẽ và tăng tốc trở lại. VN-Index từ chỗ tăng chỉ khoảng 0,3 điểm lúc 10h đã bứt phá tăng 6,56 điểm (+0,51%) và chốt giá cao nhất cuối phiên sáng tại 1290,12 điểm. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE tăng 20% so với sáng hôm qua...
Sau khoảng 1 giờ đầu tiên ngập ngừng, thị trường đột nhiên nhận được dòng tiền mua mạnh mẽ và tăng tốc trở lại. VN-Index từ chỗ tăng chỉ khoảng 0,3 điểm lúc 10h đã bứt phá tăng 6,56 điểm (+0,51%) và chốt giá cao nhất cuối phiên sáng tại 1290,12 điểm. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE tăng 20% so với sáng hôm qua.
Đà tăng này không thật sự được dẫn dắt bởi các trụ lớn. Chỉ 3/10 cổ phiếu vốn hóa hàng đầu thị trường là tăng rõ rệt: BID tăng 1,28%, VPB tăng 1,31% và GVR tăng 4,38%, còn lại khá yếu. Chỉ số VN30-Index chốt phiên sáng cũng mới tăng 0,1% và leo qua tham chiếu chỉ trong 15 phút cuối.
Mặc dù rổ VN30 có tới 21 mã tăng/7 mã giảm cuối phiên sáng, nhưng nhóm tăng mạnh nhất lại không phải trụ. POW, HDB, BCM, BVH, SAB, VRE, MBB đều tăng hơn 1% nhưng là các cổ phiếu không thuộc nhóm vốn hóa hàng đầu. Ngược lại FPT – cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 3 thị trường – lại giảm tới 2,44%. GAS, VIC, MSN cũng đỏ. Hầu hết các cổ phiếu trong rổ này phải trải qua thời gian phục hồi khá dài vì trước đó hầu hết là giảm. VN-Index tạo đáy lúc 10h nhưng vẫn còn xanh, trong khi VN30-Index giảm tại đáy mất tới 0,51%.
Bù lại, quá trình phục hồi đã giúp nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 đạt biên độ tăng giá trong phiên khá rộng. BVH tăng từ đáy khoảng 2,28%, HDB tăng 3,7%, SAB tăng 3,05%, VPB tăng 1,58%, VRE tăng 1,74%, MBB tăng 1,33%... Tại đáy, rổ VN30 chỉ sót lại BCM, GVR, POW là còn xanh.
Dù blue-chips khá vất vả để kéo thị trường hồi, nhưng nhịp phục hồi này lại đem đến lợi ích tốt nhất cho các mã vừa và nhỏ. Nhìn vào độ rộng VN-Index, lúc chỉ số xuống thấp nhất, chỉ có 158 mã tăng/210 mã giảm. Đến cuối phiên sàn HoSE đã có 246 mã tăng/168 mã giảm. Tới 100 cổ phiếu ở sàn này chốt trên tham chiếu từ 1% trở lên, trong đó 15 mã đạt thanh khoản hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài các blue-chips như VPB, GVR, HDB, còn có PC1 tăng 5,58% thanh khoản 269,5 tỷ; PNJ tăng 3,04% với 204,9 tỷ; GEX tăng 2,19% với 189,7 tỷ; TCH tăng 1,76% với 162 tỷ; ANV tăng 3,53% với 156,7 tỷ; DCM tăng 2,37% với 130,9 tỷ… Chỉ số đại diện nhóm Midcap tăng 0,5% và Smallcap tăng 0,88% đều vượt trội so với VN30-Index.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn phiên sáng tăng gần 19%, trong đó HoSE tăng 20%. Lần đầu tiên sau 11 phiên, thanh khoản buổi sáng lại vượt qua ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng. Trung bình tuần trước buổi sáng chỉ khớp được 6.392 tỷ đồng/phiên, tương đương mức tăng sáng nay tới 71% so với bình quân.
Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường là một tín hiệu tốt vì áp lực chốt lời ngắn hạn đang tăng dần lên. 3 phiên vừa qua ngày nào thị trường cũng xuất hiện các nhịp rung lắc và cổ phiếu giảm giá khá nhiều. Sáng nay cũng vậy, đợt chốt lời sớm tưởng như khiến thị trường lao dốc tiếp vì số mã giảm giá áp đảo. Tuy nhiên dòng tiền mới vào mua nâng giá mạnh mẽ đã đảo ngược tình hình.
Hiện độ rộng đã hoàn toàn áp đảo ở phía tăng cho thấy sự chấp nhận một mặt bằng giá mới đã trở nên phổ biến. Cũng phải lưu ý rằng tuần trước thị trường tăng liên tục và nhiều cổ phiếu cũng lên cao. Thông thường giá chững lại sau nhịp tăng như vậy là do có nhà đầu tư thoát ra, tuy nhiên cũng không phải tất cả. Nhà đầu tư bên ngoài hoặc là chờ đợi giá giảm để mua, hoặc chấp nhận mức giá hiện tại. Vì vậy thanh khoản tăng lên cho thấy khả năng chấp nhận giá đã tốt hơn hẳn.
Nhà đầu tư nước ngoài sau phiên bán ròng đột biến hôm qua đã được “lý giải” khá rõ ràng và không gây nhiều áp lực nữa. Sáng nay khối ngoại tiếp tục có những giao dịch thỏa thuận lớn, ví dụ mua ròng 565,5 tỷ đồng HDB và bán ròng 483,8 tỷ đồng FPT. Tổng thể khối này vẫn ghi nhận bán ròng 413,2 tỷ đồng. Các mã bị bán nhiều là MSN -89,9 tỷ, MWG -71,4 tỷ, VRE -45,8 tỷ, STB -40,8 tỷ, FRT -32,9 tỷ…