Đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ, hai “hầm trú ẩn” của giới đầu tư trong xung đột Nga-Ukraine
“Đồng USD đang là ‘vua’, vì có tính thanh khoản cao vừa có địa vị kênh đầu tư an toàn”...
Đồng USD đang tăng giá so với gần như mọi đồng tiền chủ chốt khác, khi những đòn trừng phạt mà phương Tây giáng xuống Nga đẩy cao nhu cầu của nhà đầu tư đối với đồng tiền dự trữ của thế giới. Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng giá mạnh.
Theo hãng tin Bloomberg, bên cạnh vàng, USD và trái phiếu kho bạc Mỹ cũng là những “hầm trú ẩn” mà các nhà đầu tư tìm đến nhiều trong lúc xung đột vũ trang Nga-Ukraine gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu.
USD ĐANG LÀ “VUA”
Được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, đồng USD đang được các nhà giao dịch gom mua ồ ạt. Nhu cầu được đẩy cao sau khi phương Tây vào cuối tuần vừa rồi loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Cổ phiếu đang bị bán trên khắp các thị trường từ Á sang Âu và Mỹ, các đồng tiền từ Euro tới Rand Nam Phi đều mất giá.
“Đồng USD đang là ‘vua’, vì có tính thanh khoản cao vừa có địa vị kênh đầu tư an toàn”, chiến lược gia Rodrigo Catril của National Australi Bank Ltd. phát biểu. “Khi thách thức xuất hiện, các nhà đầu tư đều muốn tìm một nơi trú ẩn”.
Lúc gần 13h chiều nay (28/2), chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,8% so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, đạt gần 97,4 điểm. Trong 5 phiên trở lại đây, chỉ số này đã tăng 1,3% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Ngân hàng Credit Suisse lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc Nga bị loại khỏi SWIFT. Chiến lược gia Zoltan Pozsar của nhà băng Thuỵ Sỹ này đã so sánh những gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ với tình huống mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải bơm thêm USD ra thị trường ở giai đoạn căng thẳng khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020 hay khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008.
Trái phiếu kho bạc Mỹ và nhiều loại trái phiếu chính phủ khác cũng được mua mạnh, đẩy lợi suất sụt giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,07 điểm phần trăm, còn 1,89%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Australia có lúc giảm 0,1 điểm phần trăm.
Đồng Rúp Nga có lúc mất giá 28% trong phiên giao dịch ngoài thị trường Nga, khi nhà đầu tư lo sợ rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra sự đáp trả cứng rắn đối với các biện pháp trừng phạt mà phương Tây trút xuống Nga.
Theo dữ liệu từ CNBC, các đồng tiền chủ chốt ở châu Á, từ Nhân dân tệ, Yên Nhật, Đôla Australia… đều đang mất giá từ 0,1-0,6% so với đồng USD. Các đồng tiền ở châu Âu mất giá mạnh hơn, như Euro giảm hơn 0,9% so với USD và Bảng Anh giảm 0,3%.
CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CẦN SẴN SÀNG HÀNH ĐỘNG
“Ngoài Nga, châu Âu sẽ phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ việc Nga bị trừng phạt, vì giá năng lượng tác động đến người tiêu dùng và gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế. Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng lan toả đến triển vọng tăng trưởng”, Giám đốc đầu tư (CIO) Scott Glasser của Clearbridge Investments nhận định.
Còn theo chuyên gia Pozsar của Credit Suisses, Nga có khoảng 300 tỷ USD ngoại tệ cất giữ ở nước ngoài, một số tiền đủ lớn để gây gián đoạn trên thị trường tiền tệ nếu bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt hoặc bị dịch chuyển đột ngột nhằm tránh trừng phạt.
Ông Pozsar cho rằng các ngân hàng trung ương, bao gồm Fed, cần chuẩn bị sẵn sàng để can thiệp vào thị trường trong phiên giao dịch ngày 28/2.
“Việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ dẫn tới những khoản thanh toán trễ hạn và thấu chi lớn tương tự như đã xảy ra vào tháng 3/2020”, vị chuyên gia viết trong một báo cáo được Bloomberg trích dẫn. “Việc các ngân hàng Nga không thể thực hiện các thanh toán vì bị loại khỏi SWIFT cũng giống như việc Lehman Brothers không thể thanh toán vì các ngân hàng thanh toán không muốn thay mặt cho Lehman chuyển tiền. Lịch sử không lặp lại, nhưng mọi chuyện cũng tương tự”.
Theo quan điểm của ông Pozsar, mức dự trữ và các thoả thuận mua lại đảo ngược (reverse repo) hiện nay là không đủ để ứng phó với biến động trên thị trường tiền tệ, và các nhà chức trách sẽ cần phải hành động. Thay vì thu hẹp bảng cân đối kế toán như dự kiến, Fed có thể sẽ phải tiếp tục mua tài sản để bơm tiền vào thị trường.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng ngoại trưởng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ việc cấm toàn bộ giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), nhằm gia tăng sức ép lên hệ thống tài chính Nga.
Các chiến lược gia của National Australia Bank nhận định CBR có thể không có đủ năng lực để bảo vệ đồng Rúp nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây thành công. Một trong số các mục tiêu trừng phạt của phương Tây là khiến CBR mất khả năng tiếp cận với dự trữ ngoại hối 643 tỷ USD. “Nếu CBR không tiếp cận được với dự trữ ngoại hối, họ không thể bảo vệ đồng Rúp khỏi tình trạng rơi tự do”, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của National Australia Bank, ông Ray Attrill, nhận xét.
Trong một diễn biến khác, quan chức Ukraine sẽ gặp quan chức Nga tại biên giới Belarus để đàm phán. Quyết định đàm phán được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Putin đặt lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong lúc các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ nghi ngờ về việc đàm phán có thể mang lại kết quả nhưng nói rằng ông sẽ thử nếu đàm phán mang lại cơ hội bất kỳ nào cho hoà bình.