Đợt sóng nhiệt kỷ lục đe doạ thổi bùng giá khí đốt ở châu Âu
Châu Âu đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện, ngay trong tuần này, khi một đợt sóng nhiệt kỷ lục tràn qua khu vực đẩy cao nhu cầu khí đốt để chạy máy lạnh tại nhà dân và cơ sở kinh doanh trong khắp khu vực...
Hôm 11/7, đường ống Nord Stream 1 - một tuyến huyết mạch dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu - đã tạm ngưng hoạt động dự kiến trong vòng 10 ngày để bảo dưỡng định kỳ. Mối lo lớn nhất của châu Âu vào lúc này là liệu Nga có nối lại việc cung cấp khí đốt sau thời hạn đó hay không, hay nhân thể đóng luôn đường ống để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp lên Nga liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng nước Đức cần “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
“Bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có thể là khí đốt sẽ lại chảy, thậm chí chảy nhiều hơn trước. Nhưng cũng có thể khí đốt không chảy nữa”, ông Habeck phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh.
Cần nói thêm rằng Nord Stream 1 dẫn 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm sang châu Âu, chiếm 40% tổng nhập khẩu khí đốt Nga vào châu Âu bằng đường ống.
Một sự “đoạn tình” hoàn toàn của với châu Âu trong vấn đề khí đốt không phải là khả năng không được tính đến – theo hãng tin CNN. Đến nay, Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu. Tháng trước, Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực – đã công bố một cuộc “khủng hoảng khí đốt” sau khi hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cắt giảm cung cấp khí đốt cho Đức qua Nord Stream 1 xuống mức còn 40% công suất của đường ống.
Ngày 18/7, công ty phân phối khí đốt Đức Uniper xác nhận đã nhận được một lá thư từ Gazprom trong đó Gapzrom tuyên bố tình trạng “bất khả kháng” đối với sự thiếu hụt khí đốt trong việc cung cấp cho đối tác Đức trước đây và hiện nay. “Bất khả kháng” là một điều khoản trong hợp đồng, trong đó bỏ qua việc một bên không tuân thủ các nghĩa vụ. Điều khoản này thường được kích hoạt trong những tình huống cực đoan như thiên tai.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Uniper nói với CNN rằng công ty Đức “đã chính thức bác bỏ” tuyên bố đó của phía Nga. Cùng ngày, Uniper - vốn đã bị đẩy tới sát bờ vực đổ vỡ - rút 2 tỷ Euro, tương đương 2,04 tỷ USD, hạn ngạch tín dụng từ ngân hàng KfW. Những khó khăn chồng chất mà Uniper phải đối mặt hiện nay là do ảnh hưởng của nguồn cung khí đốt Nga ngày càng thắt lại.
Nếu châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện trong tuần này, thì đây là thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với khu vực. Châu Âu đang đương đầu với một đợt nóng kỷ lục, với một số khu vực của Pháp và Tây Ban Nha phải chống lại những đám cháy rừng lớn, khi nhiệt độ được dự báo sẽ vượt mức 40 độ C trong vài ngày tới đây.
Nhiệt độ tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng điện để chạy điều hoà không khí. Enagas, nhà vận hành hệ thống khí đốt của Tây Ban Nha, tuần trước nói rằng nhu cầu sử dụng khí đốt để phát điện ở nước này đã lập kỷ lục mới ở mức 800 gigawatt giờ.
“Sự gia tăng nhu cầu mạnh mẽ của của nhu cầu khí đốt để sản xuất điện chủ yếu là do nhiệt độ tăng cao vì sóng nhiệt”, một tuyên bố của Enegas hôm thứ Năm cho biết.
Một số nhà phân tích tỏ quan điểm lạc quan hơn, cho rằng châu Âu vẫn còn các nguồn điện thay thế và làn sóng nhiệt này chỉ đến giữa tuần là hết.
“Tiêu thụ điện ở châu Âu sẽ tăng một chút trong tuần này trong bối cảnh làn sóng nhiệt khiến mức độ sử dụng điều hoà gia tăng. Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ được bù đắp bởi nguồn cung điện mặt trời kỷ lục”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng thuộc công ty tư vấn Eurasia Group, ông Henning Gloystein, nói với CNN.
Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn đang chạy đua để làm đầy dự trữ khí đốt nhằm tránh một thảm hoạ có thể xảy ra trong mùa đông năm nay, khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm gia tăng.
“Thời gian vài tháng tới đây sẽ rất quan trọng” trong việc củng cố nguồn khí đốt của khu vực, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), nhận định trong một báo cáo ra ngày thứ 18/7.
“Nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn cung cấp khi đốt trước khi châu Âu có thể làm đầy 90% dự trữ khí đốt, tình hình sẽ càng tồi tệ và khó khăn”, ông Birol phát biểu.
Mức dự trữ khí đốt trong EU hiện ở mức khoảng 64% - theo dữ liệu từ Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE). Khu vực này đang vội vã tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ các quốc gia khác trong bối cảnh bắt buộc phải giảm nhập khẩu khí đốt Nga.
Ngày 18/7, Uỷ ban châu Âu (EC) ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Azerbaijan nhằm tăng gấp đôi công suất của một đường ống dẫn khí đốt chủ chốt trong vòng vài năm tới đây.
Giá khí đốt Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, tăng 3% trong phiên cùng ngày, lên mức 165 Euro, tương đương khoảng 167 USD, theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE.
Trong tháng 7 này, mối lo về sự gián đoạn nguồn cung khí đốt Nga đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên mức cao nhất kể từ những ngày đầu của chiến tranh Nga-Ukraine, dao động quanh mức 183 Euro tương đương 186 USD/giờ. Nếu tính từ đầu năm, giá khí đốt đã tăng 129%.