Dow Jones “bay” hơn 1.000 điểm sau phát biểu của ông Powell, giá dầu tăng vì tín hiệu hạ sản lượng từ OPEC
Phiên giảm điểm này của chứng khoán Mỹ diễn ra trên diện rộng, toàn thị trường chỉ có 5 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/8), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuyên bố không lùi bước trong cuộc chiến chống lại đà leo thang chóng mặt của lạm phát. Giá dầu thô tiếp tục biến động mạnh và chốt phiên trong trạng thái tăng nhờ tín hiệu cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 1.008,38 điểm, tương đương giảm 3,03%, còn 32.283,4 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 3,37%, còn 4.057,66 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 3,94%, còn 12.141,71 điểm.
Trong bài phát biểu được cả thế giới dõi theo tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, ông Powell tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn đến chống lạm phát. Quan điểm này của nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới khiến nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên mức cao hơn trong một thời gian dài hơn.
Nỗi lo lãi suất tăng cũng là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm tuần thứ hai liên tiếp trong tuần này. Cả tuần, Dow Jones sụt 4,2%; S&P 500 và Nasdaq trượt tương ứng 4% và 4,4%.
“Lập lại ổn định giá cả có thể sẽ đòi hỏi duy trì một lập trường chính sách thắt chặt trong một khoảng thời gian nữa. Những gì đã diễn ra trong lịch sử là lời cảnh báo về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm”, ông Powell nhấn mạnh.
“Chúng tôi thực sự tin tưởng vào Fed”, nhà quản lý danh mục Zach Hill thuộc Horizon Investments phát biểu. “Chúng tôi tin vào việc họ nói rằng lãi suất sẽ tăng lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn, và chúng tôi đã nhận thấy thị trường đang có sự định giá lại tài sản sau một thời gian có những kỳ vọng vào việc giảm lãi suất trong năm 2023. Chúng tôi cho rằng câu chuyện sẽ còn diễn biến theo hướng này và giá cổ phiếu sẽ tiếp tục biến động mạnh từ nay trở đi”.
Ông Powell cảnh báo rằng chính sách tiền tệ thắt chặt “trong một thời gian nữa” đồng nghĩa với tăng trưởng giảm tốc, thị trường việc làm yếu đi, và “một chút nỗi đau” đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. “Giảm lại phát có thể đòi hỏi một khoảng thời gian dài mà ở đó tăng trưởng thấp hơn xu hướng. Ngoài ra, có thể sẽ có một chút suy yếu trong điều kiện thị trường lao động”, ông nói.
Ông Powell không đưa ra tín hiệu nào về việc Fed sẽ làm gì trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 20-21/9. Theo dự báo của thị trường, Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này. Sau bài phát biểu ngày thứ Sáu của ông, các hợp đồng lãi suất tương lai ở Phố Wall đang nghiêng về khả năng lãi suất tăng 0,75 điểm phần trăm.
Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 6,8% ghi nhận trong tháng 6. Ông Powell nói “sự cải thiện trong 1 tháng là không đủ” để đáp ứng những gì Fed mong muốn đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát.
“Đó là một thông điệp cứng rắn như kỳ vọng. Ông Powell rất rõ ràng: Fed còn xa mới hoàn thành cuộc chiến chống lạm phát”, chiến lược gia Antoine Bouvet thuộc ngân hàng ING nhận định.
Phiên giảm điểm này của chứng khoán Mỹ diễn ra trên diện rộng, toàn thị trường chỉ có 5 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh. Mức giảm mạnh nhất thuộc về các cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn và cổ phiếu công nghệ.
Bán tháo là xu hướng chung của chứng khoán thế giới trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số MSCI All Country World Index sụt 2,47%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng.
Chứng khoán châu Âu tụt điểm sau khi đón nhận dữ liệu cho thấy sự sụt giảm tâm lý của người tiêu dùng Đức do giá năng lượng tăng cao. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực giảm 1,68%.
Một số nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang muốn thảo luận mức nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào ngày 8/9, mặc cho nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ rơi vào suy thoái, để ứng phó với triển vọng lạm phát ngày càng xấu - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters.
Do kỳ vọng lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007 sau phát biểu của ông Powell, đạt 3,3824%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 3,0334%.
Đường cong lợi suất giữa hai trái phiếu này tiếp tục đảo ngược - hiện tượng được xem là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,65 USD/thùng, chốt ở 100,99 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,54 USD/thùng, chốt ở 93,06 USD/thùng. Trước đó trong phiên, giá hai loại dầu có lúc giảm hơn 1 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu đối mặt áp lực giảm từ lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed, nhưng được hỗ trợ bởi tín hiệu từ Saudi Arabia rằng OPEC có thể cắt giảm sản lượng. Cả tuần, giá dầu Brent tăng 4,4% và giá dầu WTI tăng 2,5%.
Giới thạo tin nói rằng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là thành viên mới nhất của OPEC có cùng quan điểm với Saudi Arabia về thị trường dầu thô. Hôm thứ Hai tuần này, Saudi Arabia đã đề cập đến khả năng cắt giảm sản lượng khai thác dầu nếu Iran đạt thoả thuận hạt nhân với phương Tây và được xuất khẩu dầu trở lại.
“Thị trường vẫn đang tin rằng Saudi Arabia sẽ không cho phép giá dầu giảm dưới 90 USD/thùng. Các nhà đầu cơ sẽ xem đây như lời mời để đặt cược nhiều hơn vào sự tăng giá dầu mà không cần phải lo lắng nhiều về sự giảm giá mạnh của dầu”, một báo cáo của Commerzbank nhận định.
Cổ phiếu năng lượng là điểm sáng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này, với nhóm năng lượng thuộc S&P 500 tăng hơn 5% - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.